Lắng nghe và trả lời kiến nghị của đoàn viên thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng với trên 250 đoàn viên thanh niên đại diện cho gần 263.000 đoàn viên thanh niên trong tỉnh hôm 28-3 vừa qua, nhiều vấn đề được các bạn trẻ thẳng thắn đề cập, nhìn nhận, kiến nghị…

Cần dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực

Trong suốt buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng với thanh niên, “nóng” nhất là vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Bí thư Đoàn phường Thống Nhất (TP. Pleiku) Nguyễn Giang Nam phản ánh: “Những sinh viên giỏi, xuất sắc sau khi tốt nghiệp thường tìm mọi cách ở lại các thành phố lớn, vì về Gia Lai sẽ rất khó để tìm việc, tìm được việc thì môi trường cũng không đáp ứng yêu cầu khiến nhiều người tài không phát huy được khả năng. Tỉnh cần có cơ chế để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực này”.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng giải đáp các thắc mắc của thanh niên. Ảnh: Đức Thụy

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng bạn Đỗ Thu Thảo-học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah) rất quan tâm đến nghề nghiệp trong tương lai: “Chúng cháu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gia Lai, muốn cống hiến cho sự phát triển của tỉnh. Nhưng thực tế các anh chị lớp trước chúng cháu thất nghiệp rất nhiều, một số ngành nghề dư lao động. Xin Chủ tịch cho chúng cháu biết, trong 4 năm tới và xa hơn nữa, chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh như thế nào để chúng cháu có định hướng học tập, lựa chọn nghề”.

Một đại biểu thanh niên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nêu thực trạng khác: “Trong những năm vừa qua, Trường cao đẳng sư phạm Gia Lai đào tạo ra một số lượng lao động trí thức rất lớn. Song nhu cầu sử dụng của tỉnh lại không tương xứng, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Vậy, số lượng lao động này, lãnh đạo tỉnh sẽ giải quyết như thế nào”. Đại diện cho nhiều thanh niên trong tỉnh, chị Huỳnh Thị Xuân Nguyệt-cán bộ Tỉnh đoàn, kiến nghị: “Tỉnh cần dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để thanh niên có định hướng học tập, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp”.

Trước những câu hỏi, kiến nghị của các bạn trẻ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tìm các giải pháp giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây cũng chính là vấn đề nội tại của thanh niên, thanh niên thất nghiệp xuất phát từ lỗi định hướng, đào tạo và chọn ngành nghề. “Đào tạo nghề là đào tạo chung cho xã hội, tỉnh có định hướng chứ không có trách nhiệm phải giải quyết việc làm cho thanh niên. Vấn đề là các bạn cần phải xác định học nghề gì để có thể phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Có như vậy mới hạn chế tình trạng thất nghiệp”-Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng nói.

 

Ảnh: Đức Thụy

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, tiềm năng thế mạnh cũng như định hướng của tỉnh trong phát triển kinh tế chủ yếu tập trung vào sản xuất, chế biến và kinh doanh chuyên sâu các mặt hàng nông-lâm sản. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 103.000 ha cao su, 7.500 ha tiêu, 80.000 ha cà phê, 32.000 ha mía, 340.000 con bò... Những cây trồng, vật nuôi này của tỉnh đều đứng trong tốp đầu của khu vực và của cả nước.

Thế nhưng, việc học nghề, đào tạo nghề của thanh niên hiện nay không đúng, không trúng với định hướng phát triển của tỉnh, dẫn đến thừa lao động ở ngành này, thiếu lao động ở ngành khác. Thậm chí, còn có một nghịch lý, đó là trong khi thanh niên luôn cho rằng thiếu việc làm thì hiện nay tỉnh kêu gọi lao động trẻ vào các dự án nông-lâm nghiệp lại rất khó khăn. Điển hình là các dự án phát triển cao su của tỉnh đang cần thu hút lao động trẻ, nhất là lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm nhưng lại đang gặp khó.

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, Tỉnh đoàn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần có sự phối hợp với các ngành, các cấp, tìm giải pháp tư vấn ngành nghề phù hợp cho đoàn viên thanh niên dựa trên những phân tích đúng đắn về điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Ngăn chặn tình trạng thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật

 

Anh Võ Anh Tuấn- Bí thư Tỉnh đoàn đại diện cho thanh-thiếu niên toàn tỉnh cho biết: Buổi đối thoại thể hiện sự quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh dành cho tuổi trẻ tỉnh nhà. Đoàn thanh niên tỉnh sẽ tiếp thu những ý kiến trao đổi, chỉ đạo cũng như định hướng của Chủ tịch UBND tỉnh, qua đó, sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức, tìm ra những chương trình, giải pháp mới, phù hợp với thanh niên.

Một vấn đề lớn khác đặt ra trong buổi đối thoại là tình trạng gia tăng tỷ lệ thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật trong thời gian gần đây. Anh Trần Vĩnh Long-đoàn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lo ngại: “Tình hình mất an ninh trật tự, trộm cướp đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, đối tượng vi phạm ngày càng trẻ hóa.

Đây trở thành vấn đề chung của xã hội chứ không chỉ riêng thanh niên”. Anh Phạm Ngọc Sang-Bí thư Đoàn trường THPT Chuyên Hùng Vương nêu ý kiến: “Học sinh thường vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Rất nhiều em chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được gia đình giao xe phân khối lớn cho đi. Về phía nhà trường, chúng tôi nỗ lực để giảm thiểu tình trạng này bằng cách tổ chức các lớp học về Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh, động viên và tạo điều kiện học sinh lớp 12 thi bằng lái xe. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là về phía gia đình không phối hợp với nhà trường. Nhiều bậc phụ huynh vẫn giao xe cho con đi dù các em chưa đủ tuổi và viện đủ lý do khi được mời làm việc với nhà trường”.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cùng với việc tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn thì Đoàn Thanh niên cần phải nghiên cứu, tổ chức các hoạt động bổ ích, có ý nghĩa thu hút được đông đảo thanh niên tham gia, hướng đến lối sống đẹp, sống có ích để hạn chế số thanh-thiếu niên hư hỏng. Phải trang bị cho thanh niên kỹ năng, lý tưởng sống đúng đắn, giúp họ có đủ sức “đề kháng” với những luồng văn hóa độc hại, với tác động của mặt trái cơ chế thị trường.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm