Làng nơi ngã ba sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bến Mộng (Ayun Pa, Gia Lai) là nơi gặp nhau của con sông Ayun (sông Mẹ) và sông Pa (sông Cha) bồi đắp nên một vùng đất trù phú bạt ngàn lúa nước, mía, bắp lai, thuốc lá sợi vàng và lắng đọng những trầm tích văn hóa độc đáo.   

Bình yên buôn Broăi

Chúng tôi về các xã phía Đông sông Ba, nơi phù sa của sông Pa và Ayun lắng đọng, bồi đắp nên một vùng đất trù phú bạt ngàn những lúa, bắp lai, thuốc lá tươi tốt. Mùa khô, lòng sông phía hạ nguồn chỉ còn lại một lạch nhỏ ngoằn ngoèo giữa hai bờ cát trắng trải dài. Nắng sớm lấp lánh in bóng đoàn người đang dong hàng trăm con bò lội sông ra bãi bồi gặm cỏ.

Nhờ phù sa bồi đắp nên cánh đồng buôn Broăi xanh tốt quanh năm. Ảnh: Đ.P
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broăi (Ia Pa) Trương Nguyên Hảo trên đường vào buôn Broăi triển khai công tác chuẩn bị bầu cử, tiện đường đưa chúng tôi đi theo để tìm hiểu tình hình đời sống của bà con. Đang vào mùa thu hoạch thuốc lá, mì và lúa vụ mùa. Màu vàng no ấm trải dài trên các cánh đồng. Những đoàn xe công nông nối đuôi nhau chở lúa hướng về các buôn làng. Trên cánh đồng, những cô gái Jrai thoăn thoắt hái thuốc lá xếp thành từng hàng dài trước khi bó lại mang về lò sấy. Tiếng nói cười rộn rã. Ông Hảo thông báo tin vui: “Năm nay, cây thuốc lá được mùa, được giá. Thuốc lá sợi vàng sấy khô được thương lái xếp hàng chen mua khiến giá nhảy lên từng ngày; nhiều nhà đã bán giá 53.000 đồng/kg, cao gấp đôi năm ngoái. Cả xã Ia Broăi trồng được trên 300 ha thuốc lá sợi vàng”.

Già làng Ksor Man (buôn Broăi) nở nụ cười móm mém tuổi 80 kể về cuộc sống đổi thay sung túc của buôn làng. Sau trận lũ lịch sử cuối năm 2009, nước ngập lút nhiều nóc nhà buôn Broăi, buôn Jú, buôn Tul, cuốn trôi gần 1.000 con bò, đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Liền sau đó, tỉnh, huyện rồi cả nước chung tay vào cấp gạo, heo, bò, hỗ trợ xây nhà chống lũ, hạt giống sản xuất cho người dân. Cuộc sống dần đi vào ổn định.

Tuy vậy, “Nhờ phù sa của nó mà vùng đất bãi bồi của các xã phía Đông sông Ba tươi tốt, ít phải bón phân. 2 năm nay người dân không phải dùng thêm phân bón mà cây cối vẫn cứ tươi tốt, được mùa to. Nhà Siu Khem năm nay trúng đậm vụ mì thu hơn 200 triệu đồng. Nhiều nhà trúng mùa lại có tiền xây nhà ngói, nhà sàn gỗ khang trang”- già Ksor Man cho hay.

Nhắc đến buôn Broăi, những người hiểu chuyện đều biết đây là quê mẹ của tên FULRO lưu vong Ksor Kớk và sự kiện bạo loạn mang màu sắc chính trị xảy ra trước đây. Nhiều tháng liền, già Ksor Man phải vất vả cùng với cán bộ vào từng nhà, gặp từng người để vận động, thuyết phục. Giờ thì dân làng đã hiểu được sự nông nổi của mình khi nghe theo bọn phản động. Ai cũng nhận ra cái sai, quay về yên tâm làm ăn, bọn phản động FULRO đã không còn đất sống. Buôn Broăi từng là điểm nóng về an ninh chính trị giờ thanh bình nhất xã.    

Một vùng trầm tích văn hóa

Thu hoạch xong vụ mùa, nghệ nhân chỉnh chiêng Rah Lan Phoa (buôn Broăi) lại bắt tay vào kiểm tra âm sắc của bộ chiêng Aráp 15 lá chiêng để làng kịp đánh ăn mừng lúa mới. Đây là bộ chiêng đã cùng với đội chiêng buôn Broăi (32 người cả đánh chiêng, múa xoang và chỉnh chiêng) vượt lũ đi dự Festival Cồng chiêng Quốc tế tại TP. Pleiku cuối năm 2009. “Không chỉ các đội chiêng của nhiều dân tộc trong nước mà cả các nước Philippines, Indonesia… khi vào hội đọ chiêng cũng phải trầm trồ thán phục nghệ thuật trình tấu và âm sắc độc đáo của cồng chiêng buôn Broăi”.

Đội cồng chiêng xã Ia Broăi đang tập luyện. Ảnh: Đ.P
Về buôn Broăi tận thấy lớp lớp những ngôi nhà “dài như tiếng chiêng”. Giống như hầu hết những ngôi nhà dài truyền thống ở thung lũng Ayun Pa, những ngôi nhà dài mới dựng ở phía Đông sông Ba đều to, dài, khang trang. “Nhưng thay vì làm bằng cột gỗ như trước, bây giờ để bảo vệ rừng, dân làng chuyển sang làm bằng bê tông cốt thép vững chắc, vừa cao ráo và tránh được lũ lụt. Dưới gầm sàn lại xây bao một vài gian làm kho đựng nông sản, vật dụng mà vẫn giữ được nét thẩm mỹ của ngôi nhà dài truyền thống”- già làng Ksor Man đắc ý nói.

Sự no đủ, sung túc của buôn làng không chỉ từ những ngôi nhà dài rộng rãi nổi bật giữa xanh mát ruộng vườn mà còn từ những chiếc máy cày, máy xới, máy gặt, xe công nông, xe máy, từ những kho lúa lèn chặt bên dưới gầm nhà. “Giờ dân mình đã có nhiều lúa, nhiều cái xe máy, phương tiện sản xuất, làm cái nhà sàn dài to lớn thế này có cái gầm cất giữ những thứ ấy thật là tiện lợi...”- già Kpa Thung- già làng thứ hai của buôn Broăi gật gù.  

Hình ảnh ngôi nhà sàn dài tít tắp với màu gỗ phô ra từ trụ cột, từ vách tường mái tôn lấp lánh càng ấn tượng hơn bên những ngôi nhà xây kiên cố của người Kinh định cư rải rác dọc quốc lộ 25 khắp thung lũng Ayun Pa. Chính vựa lúa Ayun Hạ đã giúp những cư dân Jrai, Bahnar bản địa gìn giữ mái nhà dài- linh hồn của buôn làng như một báu vật.

… Mùa lúa mới đang về. Món cơm lam dẻo mềm bên bếp lửa nhà sàn dài. Trăng thượng tuần tháng Tư huyền hoặc hắt bóng vào bức vách. Tiếng chiêng mừng lúa mới như ru gọi lúc gần lúc xa. Lòng tự nhiên thấy thư thái lạ lùng.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm