(GLO)- Cứ tưởng ở Tây Nguyên mấy chục năm, chịu khó tìm hiểu và học hỏi, biết kha khá về Tây Nguyên rồi, cho đến khi dự cuộc hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên” do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và Tổ chức Pan Nature tổ chức thì mới biết, té ra mình chưa hiểu gì về Tây Nguyên cả?
Hội thảo này chỉ bàn về nước, nhưng cuối cùng, từ nước nó lại nảy sinh ra bao vấn đề. Nước vừa là nước, lại vừa không chỉ nước, và nó là nước.
Nước cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nước-H2O và nước-Tổ quốc.
Trước hôm hội thảo, tôi có dùng bữa cơm với nhà văn Nguyên Ngọc-một chuyên gia về văn hóa Tây Nguyên, được Ban tổ chức mời vào và đã có một tham luận rất hay. Ông bảo, rừng nó không chỉ là bóng mát, là lá phổi, là gỗ..., nó còn là nước đấy. Mà Tây Nguyên là rừng. Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng. Nó giữ nước cho toàn bộ miền Trung, và cả Nam bộ nữa. Tôi giật mình, ừ nhỉ. Giờ rừng bị tàn phá, mưa xuống nước cuồn cuộn tuôn, đổ xuống hết đồng bằng, cuốn theo của cải làng mạc. Hết mưa là hết nước. Khô khát như... Tây Nguyên.
Vị trí đề xuất cho làm lòng hồ thủy điện trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng nhưng không được chấp nhận. |
Nếu theo tiêu chí rừng không chỉ là gỗ, hay chính xác, gỗ chỉ là một phần nhỏ để hình thành nên rừng, thì rừng nghèo theo nghĩa ta hiểu lâu nay, tức là rừng gỗ tạp, là hết sức sai lầm. Bởi rừng là một tập hợp đa dạng sinh vật, chứ không chỉ gỗ và cái quan trọng nhất, rừng để giữ nước. Chúng ta nói nhiều về rừng là lá phổi, là ở chức năng của lá, trong khi, té ra, bộ rễ của nó cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn. Và như thế thì không có rừng nghèo.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, với người Tây Nguyên, giữa làng và rừng có 4 cấp độ, chính xác là 4 vùng mở rộng dần ra như những vòng tròn đồng tâm. Một là làng, hai là rẫy, ba là rừng để người ta vào lấy cái tổ ong, bắt con thú... và bốn là rừng ma, rừng thăm thẳm ấy. Làng chiếm ít rừng nhất, chỉ là chỗ để ở, mỗi làng chừng mươi mười lăm nóc nhà, không có vườn. Rẫy cũng ít, khi đất bạc màu thì họ du canh, đến lúc nào đấy, rẫy hồi sinh thì họ quay lại, hoặc không quay lại thì rừng ở đấy cũng tái sinh rất nhanh, bởi xung quanh vẫn là rừng để “dìu” cây ở khu rẫy này nhập bọn. Còn phần thứ ba là rừng lân cận, là nơi dân làng thi thoảng ghé vào, vừa là khách, vừa là chủ, họ không xâm hại đến loại rừng này bao nhiêu, bởi những thứ họ lấy ở đấy rất nhỏ nhoi và không lấy thì nó cũng sẽ tự hoại. Thứ tư là đại ngàn, là cái nơi họ biết là của họ nhưng họ chỉ từ xa ngắm, hoặc có vào thì cũng chỉ như khách, và họ thờ cúng, họ coi đấy là nơi trú ngụ của thần linh... Cứ thế người và rừng hòa quyện nương tựa nhau, tôn nhau và tồn tại và phát triển.
Ngay cả sau này, khi chúng ta có kế hoạch trồng rừng thì đấy vẫn không phải là... rừng. Bởi rừng là một thực thể đa dạng, nhiều loại cây, nhiều tầng thực vật, nhiều thực bì. Còn những rừng cây ta trồng, chúng chỉ có một loại cây, vậy thì về mặt nào đấy, chúng cũng chỉ như “rừng” cao su.
Và nó không tích nước.
Bộ rễ vĩ đại cả hàng triệu triệu loại sinh vật tạo nên rừng và thảm thực bì cũng vĩ đại không kém, chính là những cái hồ chứa nước trên cao, như những cái thùng trên các khu nhà cao tầng bây giờ, để điều tiết nước tại chỗ và không chỉ tại chỗ, mà còn cho cả khu vực, cho cả những khu vực khác... Nếu rừng hết, thì những hồ nước khổng lồ ngầm dưới đất ấy, cũng khô, cũng trở thành vô dụng. Hạn hán là điều đương nhiên.
Chưa kể còn thủy điện, lấy nước sông này chuyển sang sông kia, khiến vừa lãng phí nước, vừa tạo sự khô hạn tại chỗ, kéo theo nhiều hệ lụy khác, mà lớn nhất là cưỡng lại tự nhiên, chống lại tự nhiên, điều mà cha ông cố tránh. Cha ông chúng ta cố gắng hòa thuận với tự nhiên, nương theo tự nhiên mà sống. Giờ thì chúng ta cố gắng “thay trời” để chống để cưỡng lại tự nhiên, dẫn đến tự nhiên nổi giận, hết hạn hán lại lũ lụt. Làm ăn tích cóp cả đời, một cơn trời nổi giận, là tay trắng...
Năm nay Tây Nguyên hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm qua. Hệ thống sông suối, hồ chứa... cạn kiệt kinh khủng. Mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chứ chưa kể tưới cho cây công-nông nghiệp các loại. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho đến đầu tháng 4-2016, có đến hơn 160.000 ha diện tích cây trồng thiếu nước. Hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu... mất trắng, thiệt hại mỗi tỉnh hàng ngàn tỷ đồng. Rõ ràng Tây Nguyên đang đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên-Thiếu tướng Trần Đình Thu, phát biểu trong hội thảo, cũng cho biết hiện có đến hơn 2.000 hộ dân Tây Nguyên không có đất sản xuất, nếu cấp đất cho họ thì buộc phải... phá rừng. Cũng theo số liệu tại hội thảo thì 1.800 hộ dân ở Đak Nông, Bình Phước đã phá hơn 2.000 ha rừng để làm đất nông nghiệp.
Trở lại với nhà văn Nguyên Ngọc, như ông đã khẳng định, rừng có chức năng giữ nước, để mưa ào xuống không biến ngay thành lũ tàn phá mà tằn tiện tích lại, từng giọt, cho Tây Nguyên và cho cả các vùng chung quanh. Cho cả một mảng rộng lớn Nam Đông Dương. Đơn giản vì Tây Nguyên ở trên cao và tự biến mình thành cái tháp nước cho cả khu vực... Và vì thế, giữ rừng cũng chính là giữ nước. Nước ở cả 2 nghĩa là nước sinh học, nước sự sống H2O và nước nhà, Tổ quốc, như đã nói ở trên.
Vì vậy, nhất thiết phải giữ rừng. Đây không phải là chuyện mới, nhưng có lẽ cần được đặt ra như một nhiệm vụ hàng đầu, cấp thiết và quyết liệt. Để giữ lại một Tây Nguyên lúc nào cũng xanh mát, rời rợi, trong lành...
Văn Công Hùng