Lặng thầm K52

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
10 năm qua, trên hành trình tìm kiếm, quy tập, hồi hương liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Campuchia, hầu như không có phum, sóc nào ở các tỉnh Rattanakiri, Stung Treng, Preah Vihear lại không in dấu chân thầm lặng, những giọt mồ hôi vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai).
Chục năm trở lại đây, cứ vào độ tháng 10, 11, tức là lúc mùa khô vừa tới, những người dân huyện Chư Prông và Đức Cơ sống dọc hai bên quốc lộ 19B lại chứng kiến đoàn xe chở cán bộ, chiến sĩ Đội K52 nối nhau lên biên giới sang Campuchia, bắt đầu mùa tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đầy khó khăn, gian khổ.
Trăm khó, ngàn nguy
“Vất vả lắm anh ạ!”- Trung úy Nguyễn Trọng Sơn, một trong số ít những người ở Đội K52 tham gia “đủ” 10 mùa tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ năm 2001 đến nay tâm sự với chúng tôi về cuộc sống của anh em những ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn. Anh kể, địa điểm đóng quân của đội thường là vùng rừng núi nên chuyện rắn rết, bọ cạp bò vào trại, chui vào quần áo, ba lô, chăn màn là chuyện thường xuyên xảy ra, nhất là vào cuối mùa khô, khi bắt đầu xuất hiện những cơn mưa giông. Khá nhiều anh em trong đội từng bị rắn độc cắn nhưng may mắn là đều được cứu chữa kịp thời. Duy chỉ trường hợp Đại úy Lê Xuân Hạnh, bị rắn cắn năm 2002 là không qua khỏi.
Cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Campuchia.
Trong những ngày tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên đất Campuchia, ngoài mối lo bị rắn, bọ cạp cắn, cán bộ chiến sĩ Đội K52 còn thường xuyên phải đối mặt với ẩn họa bom mìn, đặc biệt là ở tỉnh Preah Vihear. Trước mỗi lần đào bới tìm mộ, dù lực lượng công binh đều rà phá rất kỹ nhưng thỉnh thoảng vẫn có những quả mìn sót lại và anh em phải vất vả xử lý. Rồi chuyện đi lại cũng hết sức khó khăn, nguy hiểm do địa hình nơi công tác chủ yếu là rừng núi, sông suối hiểm trở. Để tới được những khu vực có mộ liệt sĩ, thường phải đi bộ- có khi cả vài chục cây số dưới cái nắng như nung mùa khô. Vất vả là vậy song đi bộ dẫu sao vẫn còn đỡ nguy hiểm hơn những lần vượt sông, vượt thác bị lật thuyền suýt chết.
Một mối lo ngại nữa mà cán bộ, chiến sĩ Đội K52 thường gặp là bệnh sốt rét. Theo Trung úy Võ Văn Phượng- y sĩ của đội, những năm trước đây, anh em bị sốt rét rất nhiều. Nguyên nhân là do sống trong rừng rậm, nhiều muỗi. Nguồn nước sông, suối mà anh em dùng sinh hoạt hàng ngày cũng hay có ký sinh trùng sốt rét. Ngoài ra, anh em còn bị lây sốt rét khi sống gần người dân ở những vùng có dịch. Ngay như mùa khô 2010-2011 mới đây, tổ công tác gần 30 cán bộ, chiến sĩ nằm ở xã Ô Cha Long, huyện Xiêm Bột, tỉnh Stung Treng bị sốt rét hàng loạt phải di chuyển đến địa điểm khác đóng quân.
Đưa hài cốt liệt sĩ về nơi tập kết.
“Thế nhưng khó khăn vất vả ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với chuyện thiếu nước uống”- Thượng tá Vũ Văn Sơn- Đội trưởng Đội K52 cho biết. Đây là nỗi lo thường trực của đội trong những ngày ở Campuchia, đặc biệt là với những anh em công tác hướng Preah Vihear. Để có nước ăn uống hàng ngày, có khi anh em phải mua từng thùng của người dân hay vét từng tí nước ở ao, vũng gần trại. Còn khi đi địa bàn thì gặp gì uống nấy. Trung úy Võ Văn Phượng kể, có những lần khát quá, anh em phải múc nước vũng trâu đằm, vịt lội, bỏ thuốc khử khuẩn qua loa rồi uống luôn.
Hết mình với nhiệm vụ
Tham gia đội tìm kiếm, quy tập liệt sĩ Việt Nam tại Campuchia từ năm 2005, Trung úy Võ Văn Phượng tâm sự: Có sang đây mới hiểu hết sự ác liệt của chiến tranh chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới mà cha anh mình đã tham gia. Càng hiểu, anh em càng thấy thương những liệt sĩ mấy chục năm nay nằm lại trên đất bạn, lạnh lẽo giữa đất đá, cỏ cây. Thỉnh thoảng, anh em bắt gặp những gia đình vất vả vượt hàng ngàn cây số từ Việt Nam sang với khao khát tìm được mộ cha anh. Điều này đã trở thành nguồn thôi thúc anh em trong đội nỗ lực, quyết tâm tìm kiếm, quy tập, đưa các liệt sĩ về đoàn tụ với quê hương, gia đình. Thượng tá Vũ Văn Sơn cho biết: “Anh em hăng hái lắm, làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật là điều bình thường”.
Bên cạnh nhiệt tình có thừa, điều mà cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn tâm niệm, ấy là trong khi tìm kiếm mộ liệt sĩ phải tuyệt đối không để sót, không để thiếu. Cẩn trọng với từng nhát cuốc, mũi xẻng, mỗi khi phát hiện thấy di hài của liệt sĩ, anh em cẩn trọng nhặt từng mẩu xương, giữ những hiện vật còn lại từ cái cúc áo, chiếc thắt lưng đến cuốn sổ, viên thuốc… rồi gói ghém cẩn thận. Mỗi khi cảm thấy áy náy chưa tìm hết mộ ở một điểm nào đó, anh em bảo nhau phải phát cây tìm rộng ra xung quanh, đào sâu xuống cho đến khi nào tìm thấy, hoặc chắc chắn là không còn dấu vết mới thôi.
Đón hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Ảnh: Tiến Dũng
“Như lần tìm mộ ở Stung Treng năm 2010- Thượng tá Vũ Văn Sơn kể- sau khi đã tìm được 96 bộ hài cốt của các liệt sĩ thuộc Ban 3, Bệnh viện K40 miền Đông Nam bộ, anh em trong đội vẫn thấy lấn cấn chưa đi được. Linh tính mách bảo nơi đây vẫn còn mộ chưa tìm thấy. Nghĩ vậy, anh em động viên nhau ở lại tiếp tục tìm kiếm. Mất 3-4 ngày trời, anh em mới tìm thấy ngôi mộ còn lại nằm ở độ sâu gần 2 mét. Bốc xong bộ hài cốt đó, tự nhiên anh em đều thấy lòng nhẹ nhõm”.
Nhưng không phải bao giờ sự cố gắng của anh em cũng mang lại kết quả. Thượng tá Vũ Văn Sơn kể, rất nhiều lần, theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, anh em đào cả tháng vẫn không thấy mộ. Tuy vậy, anh em trong đội đều không nản chí. Cứ mỗi khi có thông tin lại hăng hái lên đường kiểm tra, kiếm tìm, quyết tâm trong thời gian sớm nhất, đưa được hết hài cốt liệt sĩ về với Tổ quốc và người thân.
Một mùa khô nữa lại sắp đến. Những người lính Đội K52 lại đang âm thầm chuẩn bị xe cộ, máy móc, cuốc xẻng để tiếp tục lên đường sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ gian khó nhưng vinh quang.
Tiến Dũng*

Có thể bạn quan tâm