Lang thang nghề “hai sọt”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là cái tên chung của họ, bởi gắn với nghề buôn thúng bán bưng, cọc cạch xe đạp, chật vật xe máy cà tàng khắp hang cùng ngõ hẻm phố thị, khắp những miền đồng quê khó nghèo, hay vùng biên viễn xa xôi. Họ chính là những người giúp cho hàng hóa, vật dụng đến được khắp mọi nơi…

4 giờ 30 phút sáng, khi hạt mưa còn nặng trên những triền lá thấp của vùng cao nguyên Pleiku (Gia Lai), chị Vũ Thị Huệ, 38 tuổi ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah đã sẵn sàng một chuyến bán hàng tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Trong hai chiếc sọt của chị chất đầy nào cá khô, rau quả, gia vị, những thực phẩm dùng ngay được, cả những thứ để lâu được cả tháng trời. Những thức dùng đó chị mang vào các xã Đak Tơ Ve, Hà Tây, Đak Sơ Mei- các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh-bán lại cho người dân nghèo. Quàng vội tấm áo mưa đã bạc màu, chị cười: “Bà con trong đó còn nghèo lắm, lấy tiền đâu mà mua những thứ hàng cao cấp như ngoài phố! Mình mang vào bán những thứ thật cần thiết như cá khô, mắm muối, một vài loại thuốc thông dụng… để bà con dùng thôi! Bà con quý mình lắm vì mình bán rẻ, lại biết bà con thiếu thốn những gì nên mang vào!”. Rồi chị phóng vụt xe đi...

Nông dân mua thức ăn tại các “công ty hai sọt”. Ảnh: Lê Nam
Lang thang ở Phố núi Pleiku vài ngày, tôi chợt nhận ra rằng những người buôn bán bằng hai chiếc sọt đến tận những vùng quê xa xôi, bán những thứ thật cần thiết cho người dân quả thật là một lực lượng đông đảo. Nếu tính ra, nước ta dẫu quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều lắm những vùng nông thôn mà ở đó hàng hóa còn khan hiếm. Nếu không có các quầy hàng rong ruổi với những chiếc sọt hàng như thế thì cuộc sống của người dân nơi vùng xa, vùng khó nghèo sẽ chật vật đến đâu. Ngày ngày, họ trông chờ vào hai sọt hàng của những tiểu thương đường trường, mà họ thường tự nhận mình là “dân hai sọt” mang đến mà thôi. Chiếc xe máy cà tàng chở hai sọt hàng nặng trên một tạ thường là rau quả, thịt cá, mắm muối, gạo, dầu... và không bao giờ quên bơm, keo, đồ vá săm…

Chị Bùi Thị Nhàn, ở thôn 1, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku gắn bó với 2 sọt hàng gần 15 năm nay. Đã qua tuổi 50 nhưng chị vẫn làm nghề vất vả này. Chị thức dậy từ 2 giờ sáng đến chợ đêm Pleiku mua hàng hóa vật dụng rồi chất tất cả lên chiếc xe máy cà tàng đến những thôn làng xa xôi của huyện Đức Cơ. Sau một ngày chạy xe đường trường với hai sọt hàng nặng trĩu, về tới nhà chị lại tất bật chăm sóc chồng con. Chị chia sẻ: “Cái nghề hai sọt này vất vả lắm! Nhưng được cái vui! Mỗi sáng vào đến buôn làng, bà con đổ ra bên cạnh mình tay mua hàng, miệng hỏi thăm tình hình nhà cửa, phố thị, chuyện đường sá, có khi có của ngon vật lạ họ lại mang ra đổi. Họ thương và quý vì mình thật thà, quan tâm đến họ…”. Những chuyến hàng của chị chở đến lại thêm những câu chuyện vui, hài hước, thông tin mới kịp thời cho những người dân, người lính vùng biên giới.

Đối với chị Huệ, chị Nhàn thì thường giấc ngủ ít khi được trọn vẹn, bởi luôn thấp thỏm sợ muộn giờ, hết những thứ hàng hóa cần thiết. Chị Huệ kể: “Làm nghề này cũng vất vả, nguy hiểm lắm. Hàng hóa chở trên xe thì nhiều, nhiều lúc ngã xe hàng hóa đổ vung vãi, nhất là vào thời điểm mưa gió như hiện nay. Hay khi đi qua đoạn đường vắng lại thấp thỏm nỗi lo gặp kẻ xấu…”.

Chị Nguyễn Thị Bảo, ở Ia Tiêm, huyện Chư Prông tâm sự: “Lúc đầu, gia đình ai cũng phản đối. Làm nghề này thân gái dặm trường vất vả lắm nên ai cũng khuyên phải tìm cái nghề nào ổn định hoặc mở một quầy tạp hóa. Nghề nào chẳng có sự vất vả riêng, theo mãi rồi cũng quen. Hơn 10 năm nay, tôi đã chạy xe trên hàng ngàn cây số nhưng đó là niềm vui mà chỉ có người làm công việc này mới cảm nhận hết được”.

Mỗi khi những chuyến xe hai sọt như thế này đến các buôn làng, người dân ai cũng phấn khởi vì lại có thực phẩm tươi, chứ hàng ngày dùng thực phẩm khô mãi họ cũng chán. Dẫu sức khỏe không bằng nam giới, thu nhập cũng không cao và lại ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng những người như chị Huệ, chị Nhàn, chị Bảo và biết bao nhiêu người phụ nữ làm nghề này trên cả nước đều chịu khó và có một nghị lực rất lớn. Chính họ là một bộ phận không nhỏ để hàng hóa và mối quan hệ ấm áp tình người được duy trì trong bao nhiêu năm qua…
Bùi Hữu Cường

Có thể bạn quan tâm