Làng vắng tiếng cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, làng Kte lớn (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) vắng dần tiếng cồng chiêng. Dàn cồng chiêng của làng vẫn đủ bộ nhưng chỉ đặt nằm im lìm ở một góc bếp nhà già làng. Bởi, làng chỉ còn lại một vài người lớn tuổi biết đánh chiêng, trong khi lũ trẻ lại tỏ ra thờ ơ.

Đưa ánh mắt buồn bã nhìn những bộ cồng chiêng đang dần phủ một lớp bụi dày, già Siu Nhui (75 tuổi) giải thích: “Ngày trước, làng Kte lớn luôn rộn tiếng cồng chiêng. Cứ vài ngày, tiếng chiêng lại vang lên báo hiệu có gia đình trong làng làm lễ. Vậy mà bây giờ hiếm lắm mới được nghe thứ âm thanh thân thuộc đó. Lúc nào nhớ cồng chiêng quá, tôi cùng một vài người già trong làng đưa bộ cồng chiêng ra ngắm nghía rồi gõ một vài nhịp”. Nỗi niềm của già Siu Nhui cũng chính là tâm tư của thế hệ người già trong làng.

Những bộ cồng chiêng của làng đang dần phủ một lớp bụi dày. Ảnh: Trần Dung

Mặc dù tiếng trống, nhịp chiêng vẫn được duy trì trong các lễ hội của làng như: cúng mừng thọ, cúng cầu mưa, cúng mừng lúa mới,… nhưng tiếng trống, nhịp chiêng đó không phải do người làng đánh mà làng phải đi thuê đội cồng chiêng từ những nơi khác tới. Làng Kte lớn giờ chỉ còn khoảng 10 người già am hiểu và biết đánh cồng chiêng.

Nỗ lực để lưu truyền những bài chiêng của các già sẽ trở nên vô nghĩa khi thế hệ trẻ sau này quá thờ ơ với văn hóa dân tộc. Khi các già đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe cũng vơi dần mà không thể truyền dạy con cháu mình vốn quý của dân tộc thì đó là cả một nỗi day dứt lớn với họ. “Mình già rồi, không thể nhanh nhẹn cầm chiêng mà nhảy múa. Trong khi bọn trẻ có nhiều sức khỏe thì chúng lại không yêu cồng chiêng. Mình nói nhiều lắm mà chúng vẫn không nghe. Nhiều đêm mình suy nghĩ rồi chảy nước mắt vì chuyện này”- già Rơmah Hoanr (làng Kte lớn, 66 tuổi) tâm sự. Già Rơmah Hoanr đã cùng những người lớn tuổi trong làng phải đi vận động từng nhà nhưng hầu hết bố mẹ lũ trẻ không đồng ý, cho rằng đi học cồng chiêng  thì không phụ giúp được việc nương rẫy. Còn bọn trẻ thì tỏ ra không mấy quan tâm.

Theo Bí thư chi bộ làng Kte lớn Rơmah Ngeo thì làng có 174 hộ (trong đó có 42 hộ nghèo). Người dân trong làng chủ yếu làm lúa, mì, mía… và đi làm thuê. Nhận thức của người dân cũng còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay ngoài giờ trên nương rẫy thì thế hệ trẻ sau này chỉ thích tiếp xúc với ti vi, điện thoại… Dù được giải thích, động viên nhưng chúng vẫn không mấy mặn mà với cồng chiêng và văn hóa dân tộc mình. Làng Kte lớn nay đã hoàn toàn vắng bóng cồng chiêng. Theo một số thanh niên trong làng thì việc học cồng chiêng mất nhiều thời gian và không mấy thú vị. “Bây giờ có nhiều bài nhạc trẻ nghe hay hơn tiếng cồng chiêng. Mình cứ mở điện thoại ra là có thể nghe bất cứ bài nào mình thích. Còn cồng chiêng thì để người gia trong làng đánh là được rồi”- em Rơmah Nhoan (làng Kte lớn, 16 tuổi) chia sẻ.

Một vài người già trong làng đưa bộ cồng chiêng ra ngắm và đánh vài nhịp quen thuộc. Ảnh: Trần Dung

Trước tình trạng này, Hội khuyến học xã Ia Yeng đã xây dựng đề án mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ có độ tuổi từ 12 đến 15 trong các trường học và ở các thôn làng trên địa bàn xã. “Xã Ia Yeng có 3 trường học và 10 thôn làng. Nhận thấy việc văn hóa cồng chiêng đang dần bị mai một, một số lớp trẻ không biết tên chiêng, không biết đánh chiêng và cũng không hiểu âm điệu của chiêng, chúng tôi mong muốn sẽ mở được những lớp dạy cồng chiêng thực thụ, nghiêm túc để truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho lũ trẻ sau này”- ông Đinh Nhiêu- Chủ tịch Hội khuyến học xã Ia Yeng cho biết.

Trần Dung 

Có thể bạn quan tâm