Lao động thời vụ "vào mùa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu mùa mưa đến nay, mỗi ngày, hàng trăm lao động người dân tộc thiểu số ở các xã Ia Pết, Ia Băng (huyện Đak Đoa) lại kéo nhau đến huyện Chư Prông tìm việc.

Dù trời mưa nặng hạt nhưng từ 6 giờ sáng, hàng trăm lao động từ huyện Đak Đoa vẫn chạy xe máy, mang theo nông cụ đến huyện Chư Prông tìm việc. Khi tới nơi, họ chia thành từng tốp đứng rải rác từ ngã ba Bàu Cạn (xã Bàu Cạn) tới thị trấn Chư Prông, xã Ia Drăng và xa hơn là xã Thăng Hưng, Ia Pia, Ia Ga… Mỗi tốp có khoảng 5-7 người, chủ yếu là đàn ông. Họ đứng, ngồi co ro trong tấm áo mưa nhàu nhĩ, đôi mắt luôn hướng ra đường, chờ đợi một chủ vườn nào đó đến “giao dịch”.

 

Các lao động đang chờ việc. Ảnh: P.L
Các lao động đang chờ việc. Ảnh: P.L

Đứng ở ngã ba Bàu Cạn chờ việc, anh Thúc (thôn Lâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Nhóm của mình đến Chư Prông tìm việc cũng được hơn 1 tháng nay rồi. Hầu như sáng nào mọi người cũng dậy thật sớm, chuẩn bị sẵn cơm nước, cuốc xẻng để lên đường cho kịp một ngày làm việc. Tùy theo ngày và việc được thuê mà có mức thu nhập khác nhau”.

Mùa mưa đến cũng là lúc hàng ngàn ha cây công nghiệp trên địa bàn huyện Chư Prông bắt đầu giai đoạn chăm sóc. Những lao động thời vụ thường nhận làm những việc như đào hố cà phê, hố trồng hồ tiêu, rạch hàng, ép xanh, dựng trụ, bỏ phân… “Tùy theo việc mà có mức khoán khác nhau. Trước khi thuê, chủ vườn và mình cùng thỏa thuận mức giá, thấy hợp lý thì làm. Mình chỉ nhận làm khoán vì nếu làm theo công nhật thì chẳng được là bao. Nếu chăm chỉ thì một ngày cũng kiếm được từ 300.000đđồng đến 500.000 đồng”-anh Thúc cho biết. Sau khi trừ khoảng 30.000 đồng tiền xăng xe, khoản tiền này cũng đủ để họ trang trải sinh hoạt cho gia đình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lao động thời vụ này khá được lòng người thuê bởi tính siêng năng và thật thà. Vì vậy, nhiều lao động được chủ vườn nhớ tên và thuê thường xuyên. Ông Mạnh (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) cho hay: “Nhà tôi có chưa đến 1.000 cây cà phê nhưng vì neo người, tôi lại làm thêm nghề mộc nên thỉnh thoảng vẫn tìm thuê nhân công ở huyện Đak Đoa sang. Ngày trước, cứ đến mùa mưa, đặc biệt là mùa thu hoạch cà phê là trên địa bàn lại “cháy” lao động, khiến giá thuê công bị đẩy lên khá cao. Nhưng gần đây không còn tình trạng đó nữa do người lao động từ huyện khác đến tìm việc cũng khá đông”.

Là một huyện có diện tích cây công nghiệp dài ngày khá lớn nên nhu cầu thuê công lao động thời vụ ở Chư Prông rất cao, đặc biệt trong mùa mưa và vụ thu hoạch. Ngoài nguồn lao động tại chỗ, nhiều năm nay, một lượng lớn lao động từ các huyện khác, thậm chí lao động ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Nghệ An,… cũng đến Chư Prông tìm việc. Phần nhiều trong số họ là những người không có nương rẫy hoặc có rất ít nên tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm