Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lão nông đam mê chế tác vĩ cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nổi tiếng là một lão nông với nhiều sáng kiến đột phá trong nông nghiệp nhưng ít người biết ông Vũ Văn Tam Lang (SN 1963, trú tại 93 Phan Đình Phùng, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) còn có niềm đam mê mãnh liệt với đàn violin (vĩ cầm). Không chỉ chơi thành thạo, ông còn tự nghiên cứu và chế tác thành công đàn violin-một công việc đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về chất liệu cũng như tỉ mỉ trong kỹ thuật mà ít người ở Việt Nam làm được.
Chế tác đàn violin
Trong căn nhà xây vững chãi giữa trang trại rộng lớn, ông Lang say sưa kể cho tôi nghe về hành trình chế tác đàn violin của mình. Từ  nhỏ, ông đã được cha dạy cách chơi và tặng cho một cây đàn violin Pháp rất quý. Tình yêu với đàn violin từ đó ngày một lớn lên trong ông. Thế nhưng, khi gần bước sang ngưỡng tuổi 60, ông mới có thời gian dành cho công việc yêu thích này. “Giống như bất cứ ai yêu nhạc, chơi đàn, tôi cũng muốn làm cho riêng mình một cây đàn violin. Tôi nghĩ, đến độ tuổi này làm đàn cũng hợp lý bởi đã hội đủ kinh nghiệm, kiến thức tổng hòa về kỹ thuật, cơ khí và cả thực vật”-ông Lang chia sẻ.
  Ông Vũ Văn Tam Lang với cây vĩ cầm tự chế tác. Ảnh: P.L
Ông Vũ Văn Tam Lang với cây vĩ cầm tự chế tác. Ảnh: P.L
Nguyên do ông Lang trăn trở và quyết định bắt tay vào làm đàn là bởi chiếc vĩ cầm mà cha ông tặng bị gãy cần. Suốt đêm dài, ông trằn trọc mãi, hình ảnh cây đàn cứ hiển hiện, thôi thúc ông tìm cách để sửa lại. Từ khi ấy, ông gắn mình với đam mê chế tác violin. Ông Lang cho hay: “Cây đàn đầu tiên làm từ năm 2018. Tôi tự mình hoàn thiện kỹ thuật qua từng công đoạn, tự chế tạo dụng cụ để hỗ trợ việc làm đàn. Khi phát hiện sai hay thiếu sót chỗ nào, tôi liền tìm cách khắc phục nhằm tạo ra cây đàn hoàn hảo nhất từ tính năng, âm thanh đến hình dáng”. Một cây vĩ cầm hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn xử lý chất liệu. Loại bỏ chất nhựa, các chất cao năng để các thớ gỗ tạo được sự cộng hưởng âm thanh tốt nhất khiến ông Lang tốn khá nhiều thời gian nghiên cứu. “Từ khâu nấu, ngâm cồn đến việc xử lý vi sinh… cho gỗ đều mất nhiều thời gian, tâm sức và phải thật am hiểu chất liệu mới có thể làm được. Ngoài ra, phải làm sao để cây đàn đạt trọng lượng tiêu chuẩn dưới 0,6 kg cũng đòi hỏi kỹ thuật cao trong uốn, gọt phần vỏ đàn”-ông Lang chia sẻ kinh nghiệm. Vì thế, mỗi cây đàn hoàn thiện đòi hỏi rất nhiều công sức, sự kiên trì, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ngoài đặt mua ngựa đàn-bộ phận chịu lực căng của dây đàn, bộ dây và các loại ốc kim loại, các phần còn lại của đàn đều do ông tự tay làm nên. Đến cả véc ni để sơn bề mặt đàn, ông Lang cũng tự mày mò chế biến từ các loại cây cỏ trong vườn. Vì thế, màu sơn của từng chiếc đàn của ông có ánh vàng đặc biệt thay vì ánh đỏ của loại véc ni thông thường.   
Ước mơ để lại cho đời
Âm thanh của cây vĩ cầm phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu gỗ. Chất liệu được coi là tiêu chuẩn để làm đàn violin trên thế giới là gỗ phong và gỗ thông. Ông Lang tâm sự: “Tỉnh mình có nhiều thông nhưng lại chứa rất nhiều nhựa. Nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Ngoài sử dụng và xử lý gỗ thông cho mặt trước, tôi còn mong muốn là làm phần lưng đàn violin trên tất cả các loại gỗ quý của Việt Nam”. Hiện tại, ông Lang đã làm được 15 cây vĩ cầm có mặt lưng trên chất liệu gỗ trắc, nu hương, cẩm lai, bằng lăng chun... Khác với gỗ phong và gỗ thông, các loại gỗ này rất nặng; để đạt được trọng lượng tiêu chuẩn của một cây vĩ cầm, ông Lang phải tính toán chính xác. Ngoài ra, độ cứng của các loại gỗ cũng là một thách thức khi uốn, gọt làm vỏ đàn. Thế nhưng, với niềm say mê bất tận, sự am tường sâu sắc về chất liệu cũng như kỹ thuật điêu luyện, dường như không điều gì làm khó được lão nông nghệ sĩ này.
Mỗi khi hoàn thiện một sản phẩm, ông Lang đều gửi chúng đến những người bạn là nghệ sĩ violin ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để được nghe góp ý, sau đó hoàn thiện dần. Những cây vĩ cầm của ông Lang ngày càng trau chuốt mềm mại, tinh xảo; âm thanh cũng đạt độ ấm, vang theo quy chuẩn. Nghệ sĩ violin Phạm Trường Sơn-Trưởng bộ môn Hòa tấu (Khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia) đã rất bất ngờ trước chất lượng âm thanh của cây vĩ cầm làm bằng nu hương do lão nông Tam Lang làm ra. Trao đổi với P.V qua điện thoại, nghệ sĩ Phạm Trường Sơn bày tỏ: “Mỗi cây đàn của ông Lang là một câu chuyện riêng và vì thế âm thanh cũng mỗi cái mỗi vẻ. Chất lượng rất tốt và âm vang đúng như tình yêu của người làm nên chúng gửi gắm vào. Tôi rất vinh dự khi được thử hầu hết các cây đàn ông làm và cùng chuyện trò, trao đổi. Điều đặc biệt là ông đã sử dụng chất liệu gỗ hoàn toàn ở địa phương và tự sản xuất dụng cụ làm đàn để làm nên những cây vĩ cầm đặc biệt này”.
Thực hiện đam mê khi đã bước sang bên kia con dốc của cuộc đời với người nông dân Tam Lang chưa bao giờ là muộn. Nhìn ngắm từng cây đàn do chính tay mình làm nên, ông Lang chia sẻ nguyện vọng từ nay đến cuối đời sẽ cố gắng hoàn thiện khoảng 100 cây đàn violin. Sau đó, ông sẽ làm một căn phòng để trưng bày và là nơi hội tụ của những người bạn tâm giao yêu vĩ cầm, yêu âm nhạc.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm