Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Còn nhiều vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Mỗi lần nghe tiếng tít tít báo vượt quá tốc độ cho phép là tôi muốn tháo vứt nó đi, chắc ít hôm nữa tôi sẽ vứt thôi, nhiều xe khác cũng làm vậy”- đó là tuyên bố của một tài xế lái xe khách giường nằm cao cấp thuộc một đơn vị vận tải. Sự bất hợp tác này khiến việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gặp nhiều khó khăn và không thực sự phát huy hết tác dụng.

Theo quy định trong Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính Phủ thì các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình của xe.

 

Kiểm tra việc lắp đặt thiết bị hành trình của đơn vị vận tải. Ảnh: L.L

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều đơn vị vận tải chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, nếu có lắp cũng chỉ đối phó, làm lấy lệ… Có đơn vị vừa lắp xong thì hàng loạt tài xế phản ứng, xin nghỉ hoặc khi chạy thì rút thiết bị, thậm chí có tài xế còn “bực mình” muốn vứt thiết bị ra khỏi xe. Nguyên nhân là do nhiều tài xế quan niệm đây là nghề tự do nên ngại bị quản lý, theo dõi. Đặc biệt việc gắn camera giám sát khiến nhiều tài xế khó chịu vì không thể “làm thêm” bằng cách bắt khách dọc đường...

Bên cạnh đó, việc triển khai lắp đặt và thực hiện giám sát tại các đơn vị vận tải cũng gặp khó khăn. Ông Trần Đình Kha-Phó chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ vận tải Pleiku cho biết: Do công việc lái xe thường xuyên thay đổi, nên mỗi khi thay đổi lái xe, đơn vị lại phải báo nhà mạng đăng nhập lại các thông tin vào hệ thống rất mất thời gian. Chưa kể tình trạng không thống nhất một nhà mạng càng gây khó cho việc quản lý. Hiện tại Hợp tác xã đang hợp tác với 2 nhà cung cấp vì thế muốn theo dõi phải mở 2 trang web.

Đây cũng là vấn đề gây phức tạp trong công tác quản lý của Sở Giao thông-Vận tải. Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: Mỗi đơn vị sử dụng thiết bị của một nhà cung cấp, Sở phải nắm hết các trang web quản lý của các công ty này. Mỗi trang web lại sử dụng một mật mã riêng nên việc truy cập rất mất công và khó tìm kiếm, thống nhất trong công tác trích xuất dữ liệu.


Cũng theo ông Nguyên thời gian qua, Sở rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhằm tăng cường công tác quản lý và đảm bảo an toàn giao thông. Đây cũng là một trong những nội dung chính của đợt kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải của các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh được triển khai trong tháng 8-2012.

Trong quá trình kiểm tra nếu đơn vị nào chưa lắp sẽ không được cấp các loại giấy tờ, thủ tục như cấp phù hiệu, sổ nhật trình… để tham gia hoạt động vận tải. Vì thế, đa số doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm như Mai Linh, Hồng Hải… nhưng cũng không tránh được tình trạng một số đơn vị chỉ lắp để đối phó. Hơn nữa đây là một quy định mới, dần dần khi hiểu được tác dụng của nó trong việc đảm bảo an toàn giao thông thì tự động mọi người sẽ tuân theo. Đặc biệt, sang đầu năm 2013 khi lộ trình lắp đặt thiết bị kết thúc và việc xử lý vi phạm có hiệu lực thì cơ quan chức năng có thể yêu cầu đơn vị vận tải trích suất dữ liệu để kiểm tra, quản lý nếu phát hiện tài xế vi phạm như vượt quá tốc độ, chở quá khách quy định… sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm