Thời sự - Bình luận

Lập khống mồ mả để 'ăn' tiền, án lương tâm và bia miệng đáng sợ hơn án tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đang xét xử vụ án lập khống hơn 1.200 mồ mả, chiếm đoạt tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước tại phường Hương Sơ, thành phố Huế với 71 bị cáo.
Các bị cáo trong vụ án kê khống 1.213 mộ giả ở Huế tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Trần Hoè

Các bị cáo trong vụ án kê khống 1.213 mộ giả ở Huế tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Trần Hoè

Theo cáo trạng, năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế" và tiến hành các thủ tục để tạo quỹ đất xây dựng khu dân cư Bắc Hương Sơ.

Để có đất phục vụ dự án, UBND thành phố Huế giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thu hồi, giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án khu dân cư Bắc Hương Sơ. Trong diện tích đất thu hồi, có một phần lớn là nghĩa trang, mồ mả được người dân chôn cất từ trước đó.

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách đền bù khi thu hồi đất, 55 người dân, cùng với cán bộ nhân viên của một doanh nghiệp, có sự tiếp tay của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, cất bốc mồ mả và 13 người khác gồm lãnh đạo phường, công an, cán bộ tại các trung tâm liên quan đến việc phê duyệt đền bù... đã có hành vi kê khai gian dối với số lượng hơn 1.200 mồ mả giả, chiếm đoạt tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước hơn 2,2 tỉ đồng.

Lập khống mồ mả giả để “ăn” tiền Nhà nước là một “câu chuyện văn hoá” có tính đặc thù vùng miền theo kiểu "ăn" được gì thì "ăn". Và án kiểu này thời gian qua khá phổ biến không chỉ ở Huế mà với nhiều tỉnh, thành ở miền Trung.

Lý do là các địa phương này vẫn chưa quen được với hình thức hoả táng và việc quy hoạch mồ mả, nghĩa địa đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn tất, quy củ... Dẫn đến các dự án có hạ tầng lớn thường phải di dời một lượng lớn mồ mả để giải phóng mặt bằng.

Và không ít thì nhiều, gần như lần nào các địa phương có dự án phải di dời mồ mả cũng đều kéo theo cán bộ hầu toà vì liên quan đến mồ mả khống.

Thật ra thì 71 người đủ thành phần, hợp sức để chiếm đoạt của Nhà nước 2,2 tỉ đồng, so với vụ án “chuyến bay giải cứu” vừa mới kết thúc phiên sơ thẩm thì có thể nói là “muỗi” về con số.

Tuy nhiên, cũng như vụ án “chuyến bay giải cứu”, vấn đề khác ngoài tiền, được dư luận quan tâm và lên án, phẫn nộ là yếu tố đạo đức.

Nếu như “đạo đức” trong vụ án “chuyến bay giải cứu” là cán bộ có chức sắc lợi dụng sự khốn khó đến cùng tận của người dân, kiều bào, thậm chí cả những công dân ở nước ngoài vừa mãn hạn tù… để “ăn tiền”. Thì ở vụ án lập khống hơn 1.200 mồ mả giả ở Thừa Thiên Huế là động yếu tố tâm linh, là vô hình xúc phạm với cả người đã khuất.

Những vụ thế này, “án lương tâm” và "bia miệng" người đời còn đáng sợ hơn nhiều số năm tù mà toà tuyên.

Có thể bạn quan tâm