Kinh tế

Giá cả thị trường

Lập sàn giao dịch xăng dầu: Sẽ minh bạch được giá đầu vào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo các chuyên gia, việc lập sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp thị trường minh bạch những góc khuất trong kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối, góp phần phá thế độc quyền của các doanh nghiệp lớn, giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, việc có sàn giao dịch sẽ giúp thị trường xăng dầu minh bạch hơn. Ảnh: Như Ý

Theo các chuyên gia, việc có sàn giao dịch sẽ giúp thị trường xăng dầu minh bạch hơn. Ảnh: Như Ý

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cho rằng, thị trường xăng dầu Việt Nam đang bộc lộ ngày càng nhiều bất cập trong quản lý cũng như điều hành. Việc liên tiếp phải sửa các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 95 và Nghị định 80, cho thấy nhiều kẽ hở khiến thị trường luôn “có vấn đề” ở góc độ quản lý.

Theo ông Hùng, việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu là dấu hiệu cuối cùng cho thấy những bất cập trong điều hành thời gian qua. Thực tế lượng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam gia tăng rất nhanh và đạt tới khoảng 27 triệu m3, tấn/năm như hiện nay cho thấy đã đến lúc cần phải minh bạch hoàn toàn việc quản lý thị trường xăng dầu. Đây là thời điểm chín muồi để lập sàn kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc hình thành sàn kinh doanh xăng dầu sẽ giúp khắc phục bất cập trong cách tính giá cơ sở hiện nay của cơ quan quản lý.

“Các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu nhiều năm nay vẫn đặt câu hỏi lớn, vì sao lại lấy giá Platts Singapore để tính giá cơ sở như hiện nay trong khi các đầu mối đang mua xăng dầu từ nhiều nguồn, như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… Khi doanh nghiệp mua ở các quốc gia khác nhau nhưng lại lấy giá của thị trường Singapore để tính giá cơ sở khiến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước luôn có sự chênh lệch nhất định, không phản ánh đúng bản chất giá thị trường. Theo tôi, cần bỏ giá Platts Singapore trong tính giá cơ sở và thành lập sàn giao dịch xăng dầu của Việt Nam để xác định giá cơ sở trên cơ sở giá trúng đấu giá của các doanh nghiệp”, ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, việc lập sàn kinh doanh xăng dầu sẽ giúp giá xăng dầu minh bạch hơn rất nhiều, tránh được tình trạng “tay trái bán cho tay phải”, đồng thời giúp các doanh nghiệp trực tiếp so được giá nhập và chọn mua ở nơi có giá hợp lý hơn. Hai nhà máy lọc dầu hiện cung ứng tới 70% nhu cầu thị trường của Việt Nam. Việc có thêm các nguồn nhập từ các đầu mối trong và ngoài nước giao dịch qua sàn sẽ đẩy mạnh sự cạnh tranh hơn. Do đó, sẽ không còn tình trạng các đầu mối mua bán lòng vòng qua các công ty con để đẩy giá.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, một doanh nghiệp trong ngành xăng dầu cho rằng, việc lấy giá Platts Singapore để tính giá cơ sở của xăng dầu như hiện nay đang tạo kẽ hở và mang lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có công ty con hoạt động ở Singapore. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, các công ty con này hoàn toàn có thể mua được lô hàng giá rẻ rồi bán lại cho công ty mẹ.

Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, ngày 30/7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo với đại diện Công ty CP Sở giao dịch hàng hóa, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, một số đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cùng các chuyên gia về việc lập sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam để bàn về việc có cần thiết lập sàn giao dịch, các thuận lợi, khó khăn cùng các vấn đề liên quan đến pháp lý cũng như quản lý, giám sát hoạt động của sàn.

Minh bạch hơn sao không làm?

Về việc hình thành sàn giao dịch xăng dầu, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam đã có một số sàn giao dịch hàng hóa ở các lĩnh vực nhưng không phát huy được hiệu quả, có sàn không tồn tại được.

“Quan điểm cá nhân tôi nếu thành lập được sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và cần thiết. Về lý thuyết, sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro và tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng đó thúc đẩy hoạt động công khai, minh bạch, giảm độc quyền của các doanh nghiệp lớn. Khi có sàn giao dịch, thị phần sẽ được chia lại, các khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế”, ông Long phân tích.

Theo chuyên gia này, việc lập sàn cần chi phí ban đầu rất lớn về cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Điều này có thể là một thách thức rất lớn cho nền kinh tế nếu chúng ta không có kế hoạch quản lý một cách hiệu quả. Cùng đó, việc quản lý và giám sát thị trường cũng cần thay đổi mạnh mẽ để đảm bảo các hoạt động không có hiện tượng thao túng thị trường.

Có thể bạn quan tâm