"Lẩu sách" có gì đáng bức xúc!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, ngay sau khi Alpha Books-một đơn vị làm sách rất uy tín-công bố thông tin sẽ bán 25 tấn sách với giá 88 ngàn đồng/kg tại hội chợ sách với tên gọi “Lẩu sách cuối năm” được tổ chức ở Hà Nội, nhiều người đã bày tỏ sự phản ứng khá gay gắt trên mạng xã hội. Có người cho rằng, việc ví sách như “lẩu” và bán sách theo ký là thái độ thiếu tôn trọng với sách.

Vì vậy, họ kêu gọi cộng đồng tẩy chay hội sách này. Phản ứng của độc giả buộc đại diện Alpha Books phải gửi thư ngỏ đến các cơ quan báo chí khẳng định, đơn vị “không bao giờ dám coi thường các tác giả hay tri thức nói chung”, đồng thời lấy làm tiếc vì thông tin của công ty đã “gây ra cảm xúc không vui và tiêu cực cho công chúng yêu mến sách và những người làm sách”.

 

Ảnh internet

Động thái của Alpha Books trong trường hợp này, theo tôi, là một cách xử lý khủng hoảng truyền thông rất kịp thời và hiệu quả. Bằng chứng là trong những ngày diễn ra hội sách, rất đông độc giả đã đến tham quan, mua sắm. Và một người bạn của tôi làm ở Alpha Books cho biết, hội sách đã thành công ngoài mong đợi cả về mặt thương hiệu lẫn doanh thu.

Quay trở lại với chuyện “lẩu sách” và bán sách theo ký của Alpha Books, tôi tự hỏi: Điều gì đã khiến nhiều người bức xúc như vậy? Bài viết “Tôn thờ sách là mê tín dị đoan” trong cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” khá nổi tiếng của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (xuất bản năm 2015) ít nhiều có thể đem đến cho chúng ta câu trả lời về điều này. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang viết: “Sẽ không đủ khi nói người Việt yêu quý sách và qua đó thể hiện sự tôn trọng văn hóa và tri thức của mình. Chính xác hơn, sách đã trở thành một biểu tượng tín ngưỡng” và “sách thiêng liêng với người Việt cũng giống như con bò đối với người Ấn Độ”.

Theo tác giả, người Việt “tôn thờ” sách “không phải cụ thể một cuốn sách quý hiếm hay có nội dung quan trọng nào, mà là sách nói chung, trong hình hài phổ quát hình chữ nhật của nó, được nạp vào một giá trị phi thường vượt xa giá trị vật lý mấy chục ngàn đồng”. Và dù tự nhận mình là một người thích đọc sách nhưng Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang vẫn cho rằng, việc người Việt “tôn thờ” sách là “một hiện tượng mê tín dị đoan”.

Việc yêu sách, rộng ra là yêu vốn văn hóa, tri thức của nhân loại là một điều rất đáng trân trọng của mỗi người. Nhưng từ yêu sách đến tôn thờ sách, coi sách như “vật thiêng” rồi bức xúc, đòi tẩy chay một đơn vị làm sách chỉ vì họ lỡ ví sách như “lẩu” và bán theo ký rõ ràng là một thái độ cần xem lại của nhiều người. Bởi lẽ, chúng ta đều hiểu rằng, dù chứa đựng bên trong tri thức gì, quý giá hay nhảm nhí thì trước hết sách cũng là một sản phẩm hàng hóa như nhiều loại sản phẩm khác. Vì là sản phẩm hàng hóa nên nó cũng phải tuân theo các quy luật cung-cầu của thị trường, nghĩa là đơn vị làm sách có thể bán giá cao, cũng có thể bán giá thấp, đại hạ giá, thậm chí bán theo ký. Trong trường hợp này, nếu thật sự yêu quý sách, tôi tin mọi người đều sẽ rất vui vì mua được cuốn sách mình yêu thích với giá rẻ.

Lâu nay, rất nhiều người vẫn hay than vãn rằng, văn hóa đọc của người Việt đang xuống cấp trầm trọng. Đây là một sự thật. Trong buổi khai mạc Ngày sách Việt Nam năm 2016, ông Phạm Mạnh Hùng-Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, trung bình mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, còn lại là sách khác. Trong vô vàn nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của văn hóa đọc, có một nguyên nhân rất đáng quan tâm là giá sách hiện nay vẫn ở mức cao so với thu nhập trung bình của người Việt. Bên cạnh đó, hệ thống phát hành sách hiện cũng chưa đủ rộng để đưa sách đến với mọi người, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, việc các đơn vị làm sách, nhà phát hành đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá, đại hạ giá sách như Alpha Books mới đây có thể coi là một tín hiệu đáng mừng giúp mọi người có thêm cơ hội mua sách, từ đó khuyến khích, khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Một cuốn sách, dù nội dung có hay ho, quan trọng đến bao nhiêu cũng vô giá trị khi nó nằm yên trên kệ sách của nhà phát hành hoặc không được người đọc lật mở. Bởi vậy, đừng quá quan trọng sách là “lẩu” hay là “vật thiêng”. Cái chúng ta nên quan tâm, ấy là những cuốn sách có đến được tay người đọc và có ai đọc chúng hay không. Nói như vậy, cá nhân tôi lại muốn cảm ơn Alpha Books, cảm ơn những đơn vị làm sách đã làm tất cả để đưa sách đến gần hơn với người đọc, khơi dậy một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Việt.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm