Thời sự - Bình luận

Lấy dân làm gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Ngày hôm qua, các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng đã tập trung thảo luận về nội dung của các dự thảo văn kiện.

Chủ đề được nói tới nhiều nhất chính là quan điểm dân làm gốc. Sau phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn về việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, các đại biểu Phan Văn Giang - Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tô Lâm - Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an… đều dành sự quan tâm đặc biệt đến chủ đề lấy dân làm gốc vì đây là nền tảng quan trọng để bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự quốc gia.

Trên thực tế, quan điểm lấy dân làm gốc đã được thể chế hóa khá đầy đủ ở nước ta.

Trước hết, đó là Luật Trưng cầu dân ý được ban hành năm 2015. Tinh thần chung của luật là những gì hệ trọng nhất thì phải xin ý kiến nhân dân và để nhân dân quyết định. Truyền thống trưng cầu dân ý đã có từ rất xa xưa. Từ thế kỷ XIII, Hội nghị Diên Hồng đã được tổ chức để trưng cầu dân ý về việc nên hòa hay nên đánh quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt. Câu trả lời của nhân dân lúc đó là đánh - "Sát Thát". Với sự đồng lòng, chung sức của toàn dân, nhà Trần đã đánh bại đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Phát huy Luật Trưng cầu dân ý trong cuộc sống để bảo đảm quyền làm chủ của người dân và tập hợp lực lượng để giải quyết những vấn đề hệ trọng của quốc gia là rất cần thiết.

Thứ hai, đó là đòi hỏi mang tính chất bắt buộc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc phải lấy ý kiến dân trước khi ban hành bất kỳ văn bản chứa quy phạm pháp luật nào. Các quy phạm pháp luật được ban hành chủ yếu để điều chỉnh hành vi của người dân. Khi hành vi của người dân bị điều chỉnh, một vấn đề nào đó của cuộc sống có thể được giải quyết, thế nhưng quyền tự do của người dân lại bị hạn chế. Đó là chưa nói tới việc tuân thủ bao giờ cũng làm phát sinh những chi phí không hề nhỏ cho dân. Tham vấn người dân sẽ giúp cho pháp luật không chỉ phản ánh đúng ý nguyện của họ mà còn giúp pháp luật trở nên hợp lý và khả thi trong cuộc sống.

Thứ ba là nhiều cơ quan nhà nước ở cả trung ương và địa phương đều đã tìm cách đo đếm sự hài lòng của dân đối với hoạt động của mình, cũng như đối với dịch vụ mà mình cung cấp. Đo đếm sự hài lòng của dân chính là đo đếm lòng dân. Muốn xây dựng một chính quyền thật sự phụng sự cho dân thì sự đo đếm này là thiết thực nhất và đúng đắn nhất. Mỗi khi sự hài lòng của người dân thấp thì mọi báo cáo thành tích có hay, có dài bao nhiêu cũng chẳng ý nghĩa gì.

Với việc ký kết các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác, vận hội mới đang đến với đất nước ta. Năm mới Tân Sửu 2021 quả thực đang bắt đầu với vận hội mới. Nhưng vận hội là gì nếu như đó chẳng phải là sự tổng hòa của thiên thời, địa lợi, nhân hòa?!

Mà như vậy thì lòng dân chính là một phần quan trọng của vận hội. Có thiên thời, có địa lợi mà không có nhân hòa thì cũng không thể thành công. Sự quan tâm đặc biệt của Đại hội XIII của Đảng về quan điểm lấy dân làm gốc cho chúng ta tin tưởng rằng yếu tố nhân hòa sẽ được phát huy và những gì liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân đã được thể chế hóa chắc chắn sẽ được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn trong cuộc sống.

 

TS Nguyễn Sĩ Dũng

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm