Thời sự - Bình luận

Lên phố hay về quê?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2023, số người mất việc làm khoảng 240.000 người, nâng tổng số người thiếu việc trong độ tuổi lao động của cả nước ở quý II là hơn 940.000 người.

Con số trên chắc chắn sẽ tác động đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Chúng ta vừa vượt qua đại dịch COVID-19, kinh tế dần phục hồi nhưng khó khăn chung của kinh tế toàn cầu cũng tác động mạnh đến nước ta. Hệ quả trực tiếp như đã thấy nhưng nhờ những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang dần phát huy tác dụng giúp doanh nghiệp ổn định và lấy lại đà tăng trưởng.

Cấp bách nhất vẫn là vấn đề giảm việc làm, bởi nó luôn tác động trực tiếp và nhanh nhất đến đời sống xã hội. Dân số đông là lợi thế của quốc gia nhưng bên cạnh đó cũng mang những áp lực khổng lồ, nhất là công tác tạo việc làm, giải quyết sinh kế. Điều dễ nhận thấy nhất là chúng ta trải qua thời gian dài phát triển kinh tế theo tư duy cục bộ địa phương, trong khi nguồn lao động luôn dịch chuyển theo hướng nơi nào thu nhập tốt, việc làm ổn định thì sẽ thu hút lao động từ các nơi khác đến.

Đã qua rồi cái thời thu hút thật nhiều doanh nghiệp gia công để nhanh chóng tạo việc làm. Chỉ một biến động về kinh tế khu vực, những doanh nghiệp kiểu này sẽ bị tác động lớn nhất và họ cũng dễ cho người lao động nghỉ việc để giảm bớt khó khăn. Đây là những gì đang diễn ra và rất may chúng ta đã có dự báo, đồng thời đặt ra những kế hoạch toàn diện: Phát triển kinh tế vùng. Phát triển kinh tế vùng thì sẽ có kế hoạch cho đào tạo việc làm toàn vùng. Điều này sẽ mang lại sự ổn định cho lực lượng lao động và tận dụng lợi thế của từng địa phương. Lao động tại chỗ sẽ bớt đi những lo toan về chỗ ở, lập nghiệp nơi xa xứ…

Chúng ta có nhiều triển vọng về phát triển các ngành dịch vụ, bởi ngành này có chỉ số việc làm tăng cao nhất - theo thống kê của các ngành chức năng là khoảng gần 40%/năm. Rõ ràng nhất là ngành du lịch, chỉ một năm sau đại dịch COVID-19, năm 2022 chúng ta đã đón hơn 3,2 triệu khách quốc tế và khoảng 100 triệu khách nội địa. Hãy hình dung số lao động phục vụ cho ngành này lớn thế nào và ngày càng phát triển theo các kế hoạch kinh tế vĩ mô. Mặt khác, lao động ngành du lịch đa số là lao động tại chỗ nên không còn những đắn đo "về quê hay lên phố".

Hãy nhìn Thái Lan, họ có gần 10 triệu lao động trong ngành du lịch trải rộng khắp đất nước. Với con số 11 triệu du khách quốc tế năm 2022, họ đã không đủ lao động cung ứng cho ngành du lịch. Còn với tham vọng 22 triệu du khách quốc tế năm 2023 và 70 triệu du khách vào năm 2027 thì họ sẽ có hàng chục triệu lao động khác đang được đào tạo để bước vào ngành này.

Khó khăn rồi sẽ dần qua, kế hoạch thì đã có, và dù muốn hay không, tất cả các ngành, các địa phương phải bứt tốc thực hiện. Việc làm là sinh kế, liên quan chặt chẽ đến con cái, kế hoạch tương lai của từng gia đình. Càng sớm ổn định việc làm cho người dân thì chúng ta càng sớm thực hiện được những kế hoạch lớn của quốc gia theo đúng cách dân giàu thì nước mạnh.

Có thể bạn quan tâm