Liên kết đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên dạy lái xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, hiên nay tại miền Trung có 56 cơ sở đào tạo lái xe với 2.773 giáo viên. Riêng tỉnh Gia Lai  có 8 cơ sở đào tạo lái xe; trong đó có 5 cơ sở vừa đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 3 cơ sở đào tạo lái xe mô tô; với đội ngũ gần 300 giáo viên.

Trong những năm qua, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức người lái xe góp phần vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã được Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt, cả nước đồng tình thực hiện. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hàng năm Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các cơ sở đào tạo đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy cả lý thuyết và thực hành.

 

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết: “Để Thực hiện hiệu quả đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, thời gian qua, Sở Giao thông-Vận tải tỉnh đã cử một số giáo viên của các cơ sở đào tạo trong tỉnh đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ dạy lái xe tại Trường Trung học Giao thông-Vận tải Huế. Tuy nhiên số lượng chưa đáp ứng được lộ trình nâng cao”. Cũng theo vị lãnh đạo này thì, giáo viên tham gia lớp tập huấn gặp khó khăn cả về kinh phí và điều kiện ăn ở. Vì vậy, việc mở một khóa đào tạo tập trung ngay tại địa phương là thực sự cần thiết. Xuất phát từ mục đích đó, Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai đã thực hiện liên kết với Trường Trung học GTVT Huế mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho 226 giáo viên thuộc 9 cơ sở đào tạo của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum (Gia Lai: 6 cơ sở, Kon Tum: 3 cơ sở). Với yêu cầu là cập nhật kiến thức mới và hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao phương pháp sư phạm và kỹ năng giảng dạy lái xe.

Qua trao đổi, ThS. Ngô Quốc Hưng-giáo viên Trường Trung học Giao thông-Vận tải Huế cho biết: Trong thời gian 10 ngày (từ 16 đến 24-8), các học viên được đào tạo các chuyên đề: Công tác giáo vụ, giao tiếp tác phong sư phạm theo tiêu chuẩn quy định, văn bản pháp quy, phương pháp dạy học tích cực, chuyên đề thiết bị dạy học hiện đại. Đáp ứng đúng chất lượng đào tạo, đợt tập huấn chia làm 2 khóa:  khóa 32 tập huấn cho giáo viên dạy thực hành và lý thuyết, khóa 33 chỉ tập huấn cho giáo viên dạy thực hành. Đợt học này đã chọn Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe tỉnh Gia Lai là đơn vị hội đủ điều kiện về cơ sở vật chất đăng cai tổ chức tập huấn.

 

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Ông Nguyễn Khắc Hiếu-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe tỉnh Gia Lai, cho biết: Trung tâm thuộc Công ty cổ phần xây dựng và vận tải tỉnh Gia Lai những năm qua đã chú trọng đầu tư, nâng cấp chất lượng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Với quy mô 3 sân sát hạch các hạng xe B2, C, D, E, FC, tổng diện tích 87.000 m2; Trung tâm trực tiếp quản lý 73 phương tiện ô tô cùng đội ngũ giảng dạy 84 giáo viên, trong đó có 77 giáo viên dạy thực hành. Với những tiêu chuẩn trên, Trung tâm được đánh giá đạt tiêu chuẩn Trung tâm Sát hạch Lái xe loại I phục vụ đào tạo cho 3 tỉnh miền Trung Tây Nguyên là Đak Lak-Gia Lai và  Kon Tum.

So với việc đưa học viên đi tập huấn ở một tỉnh khác thì việc được đào tạo tại địa phương thuận lợi ở mọi góc độ. Cụ thể, mỗi học viên chỉ đóng mức học phí 3 triệu đồng/người/khóa đối với giáo viên dạy lý thuyết và 3,5 triệu đồng/khóa đối với giáo viên dạy thực hành để trang trải chi phí cho cả khóa học. Chi phí đi lại, ăn ở của phần đông học viên cũng được hạn chế. Cuối khóa tập huấn, có 221/226 học viên đủ điều kiện tham gia thi và được nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm