Thời sự - Bình luận

Liên kết để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây 1 năm, tại TP. Huế đã diễn ra Hội nghị phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại hội nghị này, các đại biểu đã nhận định tình trạng phát triển du lịch trong khu vực một cách sát thực tế. Cụ thể, du lịch miền Trung-Tây Nguyên đang rất mất cân đối, thiếu bản sắc, đặc biệt là bản sắc chung của du lịch Việt Nam mang tính toàn cầu. 
Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch cũng đang bị phân mảnh trong quản lý, sự xung đột về lợi ích của các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, du lịch… cũng dẫn đến việc nguồn tài nguyên du lịch dần bị mất đi. Bàn về giải pháp để ngành du lịch các địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có, hầu hết đại biểu đều thống nhất cao với việc liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong khu vực và trong nước cũng như ngoài nước, tạo nên một hành lang du lịch đa dạng, hấp dẫn đối với du khách; hình thành các tour mới mang bản sắc địa phương và quảng bá rộng rãi để thu hút đông đảo khách thập phương.
Hiệp hội du lịch các tỉnh cam kết phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hiệp hội du lịch các tỉnh cam kết phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ngành du lịch Gia Lai trong vài năm trở lại đây đã có bước phát triển khá nhờ đi sâu khai thác các thế mạnh và bản sắc văn hóa địa phương cùng với việc từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Tuy nhiên, so với nhiều nơi trong khu vực, chúng ta vẫn còn những hạn chế nhất định nên chưa khai thác tương xứng với tiềm năng vốn có. Năm 2019, với sự nỗ lực chung của các ngành, các cấp nhằm làm xoay chuyển một bước trong lĩnh vực du lịch, ngoài việc củng cố và đưa các sản phẩm mới về du lịch địa phương, quảng bá về hình ảnh thiên nhiên ấn tượng và nét văn hóa độc đáo, tỉnh còn chú trọng liên kết các tiểu vùng và khu vực trong du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Khởi động cho chủ trương đúng đắn này, nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang tìm các giải pháp có hiệu quả trong việc nối kết các điểm đến của du khách nhằm khai thác các thế mạnh về du lịch địa phương. Mở đầu cho việc phối hợp ở lĩnh vực này, đầu tháng 11-2019, huyện Chư Sê và Phú Thiện đã triển khai ký kết chương trình phối hợp phát triển du lịch thuộc các điểm nhấn như: thác Phú Cường (Chư Sê), hồ Ayun Hạ, Khu Di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi (Phú Thiện). Hai địa phương đã thống nhất trình cấp trên xin chủ trương xây dựng đề án liên kết du lịch tiểu vùng có sự tương quan về địa lý, văn hóa để tạo tour phù hợp với các đối tượng du khách. Trước mắt, qua khảo sát thực tế, 2 địa phương đã thống nhất nhiều điểm cơ bản như cần thiết kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường sá, phương tiện, các loại dịch vụ khác; tuyển dụng, đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp; tuyên truyền, quảng bá du lịch…
Bên cạnh việc liên kết nội địa, ngành du lịch Gia Lai còn chú trọng đến kết nối vùng và khu vực, đặc biệt là các tỉnh lân cận. Nhiều năm qua, giữa tỉnh Gia Lai và Bình Định đã có nhiều chương trình kết nối trong lĩnh vực này nhằm đưa ngành du lịch 2 địa phương phát triển đồng bộ. Trong lịch sử, 2 địa phương đã có sự gắn bó lâu đời thuộc nhiều lĩnh vực, từ đấu tranh giữ nước cũng như trong hòa bình xây dựng vì điều kiện tự nhiên và sự gắn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược. Sắp đến, 2 địa phương cần có những giải pháp cụ thể trong việc liên kết du lịch, làm mới các tour một cách đa dạng hơn.
Tương tự, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum không những “núi liền núi, sông liền sông” mà còn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa-lịch sử nên không thể đứng ngoài cuộc trong việc liên kết phát triển kinh tế du lịch nhằm khai thác triệt để thế mạnh của 2 địa phương. Ngoài ra, chúng ta còn khuyến khích sự liên kết giữa các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, giữa các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, giữa các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển như: Ratanakiri (Campuchia), Attapeu (Lào).
Hiện nay, các tỉnh Duyên hải miền Trung nước ta đang đầu tư rất mạnh cho ngành du lịch và nhiều nơi phát triển rất tốt, là điểm đến không những cho khách trong nước mà còn hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Miền núi như Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang có những động thái tích cực kêu gọi đầu tư mạnh vào lĩnh vực du lịch nhưng nhìn chung sự phát triển vẫn chưa tương xứng vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để làm xoay chuyển tình hình, các tỉnh cần có những giải pháp đột phá, trong đó phải chìa bàn tay thân thiện của mình cùng các địa phương khác liên kết chặt chẽ tạo thành sức mạnh để tháo gỡ các nút thắt, đưa nền kinh tế du lịch phát triển đúng tầm.
 Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm