Thời sự - Bình luận

Linh hoạt giúp người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến giữa tháng 8-2021, cả nước có hơn 1,3 triệu công nhân (CN) phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.

Trong khó khăn chung của người dân cả nước, khó khăn càng chồng chất với đội ngũ công nhân - lao động khi họ bị mất việc làm, thu nhập, mà vẫn phải chi phí cho những nhu cầu tối thiểu. Dù đã được hỗ trợ bởi doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở hay Công đoàn cấp trên, hỗ trợ của chính quyền cùng các tổ chức, đoàn thể địa phương và được chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà cho những CN nhập cư, nhiều người vẫn sống trong chật vật, nhất là những người có gia đình, cha mẹ già yếu hay con cái đang tuổi học hành.

Hiện không ít công ty phải ngưng sản xuất đang làm hồ sơ xin hỗ trợ cho CN nhưng khoản này nếu có cũng rất ít ỏi. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị dùng một phần kinh phí quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để chi cho CN khó khăn. Quỹ này hiện đang kết dư hơn 89.100 tỉ đồng. Theo quy định hiện hành, quỹ này sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ). Nhưng nay trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại về tay nghề cho NLĐ khó thực hiện. Vì vậy có thể cân nhắc nới rộng, hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ đang gặp khó khăn trong đời sống vì bị ngừng việc, phải hoãn hợp đồng hoặc mất việc làm.

Trong gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng, mỗi NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ tối đa 3,71 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng, khó để họ xoay xở trong thời điểm này. Nếu trích bớt từ khoản hỗ trợ học nghề của quỹ BHTN để hỗ trợ NLĐ, không chỉ giúp NLĐ có thêm điểm tựa vật chất mà còn tạo niềm tin vào các chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, tiếp sức những đối tượng khó khăn trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đề xuất này cũng phù hợp với nguyên tắc có đóng - có hưởng đối với quỹ ngắn hạn như quỹ BHTN.

Trong các lý do để kết dư quỹ BHTN lớn như vừa nêu, có số người tham gia BHTN đông nhưng thụ hưởng ở mức thấp, do kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm tốt. Khi lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng thì tiền đóng vào quỹ cũng tăng theo. Mặt khác, do số lao động được hỗ trợ học nghề thấp nên số tiền chi cũng thấp. Từ khi chính sách có hiệu lực đến hết năm 2020, hơn 230.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề (chưa đến 4% so với lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Vướng mắc của vấn đề này là ở chỗ theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp là NLĐ đã chấm dứt hợp đồng, do vậy dùng quỹ BHTN để chi cho NLĐ thuộc diện "tạm hoãn hợp đồng" là chưa đúng về pháp lý. Vì vậy rất cần sự điều chỉnh linh hoạt về chính sách. Nhiều chuyên gia lao động đề nghị các cơ quan quản lý xem xét nới lỏng hoặc vận dụng, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét.

Mong sao các đề nghị này được quan tâm giải quyết để NLĐ đang ngừng việc hoặc tạm hoãn hợp đồng có được khoản hỗ trợ, tiếp sức kịp thời trong những ngày khó khăn vì dịch bệnh.

Theo THIÊN LƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm