Thời sự - Bình luận

Linh hoạt mở van hạn mức tín dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo hạn mức (room) tín dụng tăng thêm.

Những NH nào có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo đầu năm sẽ được chủ động tăng thêm room tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. NHNN đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tín dụng toàn hệ thống mới tăng 6,63% tính đến ngày 26-8, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 15% cả năm. Đáng chú ý, cơ quan này cũng khẳng định tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về gỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tháo van room tín dụng là vấn đề không mới, đã được ngành NH và các chuyên gia kinh tế đề cập nhiều. Tuy nhiên, việc xóa bỏ room tín dụng hay điều chỉnh linh hoạt theo thị trường là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Việc NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở từng tổ chức tín dụng trong bối cảnh mức tăng của các NH không đồng đều - có NH tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số đơn vị khác tăng sát chỉ tiêu đã được cấp trước đó.

Sự luân chuyển room tín dụng giữa các NH là cần thiết để kích thích dòng vốn chảy ra thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN), đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành và phục hồi kinh tế. Điều này cũng thể hiện sự linh hoạt trong chính sách của NHNN. Riêng bỏ hoàn toàn hạn mức tín dụng thì phải cân nhắc, vì hệ thống tài chính của Việt Nam tương đối đặc thù so với các quốc gia khác.

Tại Việt Nam, tỉ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên tới 136% và thuộc một trong những quốc gia có tỉ lệ này cao nhất khu vực ASEAN và thế giới. Các tỉ lệ khác như vốn hóa cổ phiếu, tổng tài sản của các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm… so với GDP lại rất thấp. Những yếu tố trên cho thấy nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hệ thống tín dụng của NH. Lúc này, việc áp dụng biện pháp hành chính như cấp room tín dụng cho các NH thương mại là cần thiết. Nếu tháo van room tín dụng sẽ giống như "nước chảy chỗ trũng", gây sức ép lớn cho lạm phát. Chưa kể, trong quá khứ có rất nhiều NH thương mại từng tăng trưởng tín dụng hằng năm rất cao, tác động tới lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Giải pháp linh hoạt điều chỉnh room tín dụng giữa các NH trong hạn mức cho phép như hiện tại sẽ phù hợp hơn.

Trở lại với câu chuyện tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm vẫn thấp, chưa như kỳ vọng, vấn đề không chỉ ở ngành NH mà là khả năng hấp thụ vốn và nhu cầu của DN. Muốn tín dụng tăng tốc, DN phải nhìn thấy cơ hội kinh doanh và sẵn sàng vay vốn, cũng như phải đủ điều kiện tiếp cận tín dụng (kết quả kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định, thông tin tài chính minh bạch, tài sản thế chấp…). Tăng trưởng tín dụng cần đi cùng với chất lượng tín dụng và hiệu quả dòng vốn, tránh phát sinh nợ xấu trong tương lai. Dòng vốn tín dụng có thể tăng trưởng thấp nhưng chảy đúng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế, thay vì đổ vào lĩnh vực rủi ro, tạo bong bóng bất động sản.

Theo Thái Phương ghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm