Phóng sự - Ký sự

Huyền thoại về những vị Vua Lửa ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Huyền thoại về 14 đời vua Lửa với quyền năng hô mưa, gọi gió và thanh “gươm thần” mang sức mạnh huyền bí vẫn đang hiện hữu trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên.

Tuy những vị Vua lửa không còn song huyền tích về họ vẫn hiện hữu trên vùng đất linh thiêng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Nơi đây kỳ bí với câu chuyện của 14 đời Pơtao Apui tồn tại hơn 5 thế kỷ và thanh gươm thần thánh có quyền năng hô mưa, gọi gió ở Tây Nguyên.

Huyền thoại về Vua lửa

Tây Nguyên rực nắng trong những ngày đất trời chuyển mình vào Xuân. Dưới nền trời xanh thăm thẳm, những ngọn núi hùng vĩ, những vạt đồi ngập tràn sắc hoa cà phê dẫn lối chúng tôi tìm về làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), cách trung tâm TP Pleiku khoảng 60km về hướng Đông Nam.

Về vùng đất linh thiêng, kỳ bí Plei Ơi, chúng tôi được nghe câu chuyện của 14 đời Pơtao Apui tồn tại hơn 5 thế kỷ và “thanh gươm thần thánh” có quyền năng hô mưa, gọi gió ở Tây Nguyên.

Plei là làng, Ơi là tên riêng. Đây từng là nơi trị vì của các vị vua được gọi là Vua Lửa. Khi Vua đến, dân làng làm ăn khá giả và vùng đất này trở nên trù phú. Nếu gặp chuyện khó khăn do mất mùa đói kém, hay có bất đồng trong cuộc sống gia đình, làng bản, người dân quanh vùng đều đến nhờ Vua cho tá túc, và dần dần họ cùng nhau lập thành làng. Cái tên Plei Ơi cũng từ đó mà xuất hiện.

Năm 1993, Plei Ơi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Năm 1993, Plei Ơi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo lời chỉ dẫn của dân làng, chúng tôi tìm tới nhà ông Rơ Lan Hieo (66 tuổi), phụ tá của Vua Lửa đời thứ 14 - Siu Luynh. Trái với hình dung về một vị phụ tá của Vua, ông Rơ Lan Hieo gầy gò, khắc khổ, mái tóc bạc gần hết, đôi tay chai sần với nhiều vết sẹo, có lẽ là kết quả của bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cùng cái cuốc, cái cày.

Là nhân chứng sống, hiểu cặn kẽ nhất về lịch sử cũng như những nét đặc trưng mà chỉ Vua Lửa ở Tây Nguyên mới có, ông Rơ Lan Hieo hồi tưởng, say sưa kể cho những vị khách lạ về huyền tích của 14 đời Vua Lửa.

Theo ông Rah Lan Hieo, đối với đồng bào Tây Nguyên, các vị Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió đều có giá trị tinh thần rất lớn. Thế nhưng, Vua Gió và Vua Nước chỉ còn lại trong truyền thuyết, duy chỉ có Vua Lửa là đang còn hiện hữu trong đời sống của những người dân nơi đây.

Plei Ơi là nơi “trị vì” của các vị vua được gọi là vua Lửa.

Plei Ơi là nơi “trị vì” của các vị vua được gọi là vua Lửa.

Người Jrai gọi Vua Lửa là Pơtao Apui. Thực ra, Pơtao Apui của người Jrai không mang ý nghĩa quyền lực, giàu sang như các bậc vua, chúa, mà họ cũng làm nương làm rẫy, sinh con đẻ cái và cũng nghèo như bất cứ người Jrai nào.

Quyền hạn của những ông vua này chỉ được thể hiện trong lễ hội cầu mưa. Lúc đó, Pơtao Apui sẽ dùng gươm thần làm cầu nối giữa người Jrai với thần linh để những vị thần trên trời có thể nghe thấy ước muốn của họ mà ban mưa cho dân bản. Ngoài ra, các vị vua này cũng truyền từ đời này sang đời khác, sống ở làng Plei Ơi để gìn giữ thanh gươm thần cất giấu trên núi Chư Tao Yang.

Ông Rơ Lan Hieo nói, Pơtao Apui không được ăn các loại thịt ếch, nhái, bò, chó. "Nếu Pơtao Apui không thể kiêng cữ trong việc ăn uống thì sẽ làm ô uế thanh gươm. Theo ta được biết thì do bò cày ruộng, ăn nó thì không có ai cày; còn ếch, nhái thì thường giúp báo tin sắp có mưa”. Ông Rơ Lan Hieo khẳng định các vua phải kiêng khem nghiêm ngặt lắm, vì sợ bị Yàng (ông Trời - PV) trách phạt, nguy hiểm tới tính mạng.

Vua Lửa vẫn đang hiện hữu trong đời sống của những người Jrai qua những vị phụ tá của họ.

Vua Lửa vẫn đang hiện hữu trong đời sống của những người Jrai qua những vị phụ tá của họ.

Trong 14 đời Vua Lửa, người được nhắc đến nhiều nhất về quyền năng hô mưa gọi gió là vị Vua đời thứ 6 - Siu Nhong. Siu Nhong được xem là người đặt nền móng cho sự hình thành vùng lãnh thổ của Pơtao Apui. Theo truyền thuyết, khi được cử làm Vua Lửa, Siu Nhong một mực từ chối. Người dân nơi đây phải vận động ông suốt 7 ngày 7 đêm.

Để thuyết phục Siu Nhong, người dân nói đi nói lại rằng, nếu ông không chịu giữ thanh gươm, cả vùng có thể sẽ chết. Sau đó, Siu Nhong đánh 7 lần vào nước. 7 ngày, 7 đêm sau, mây đen ùn ùn kéo đến che kín cả bầu trời, trời đổ mưa. Từ đó, ông chính thức được gọi Pơtao Apui, thay mặt dân làng thưa chuyện với thần linh.

Một vị Vua Lửa khác cũng làm rạng danh cho dòng tộc này là vị Vua đời thứ 11 - Siu Ất. Vua Lửa Siu Ất lên ngôi đã liên kết với các thủ lĩnh, tù trưởng trong vùng để khuếch trương thanh thế.

Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh là vị vua cuối cùng, có cuộc sống khá chật vật. Gia tài quý nhất là một cối gỗ, một cái chiêng, một cái trống và một cái rương gỗ lớn đựng đồ tế lễ, tương truyền do các đời Vua Lửa trước để lại.

"Ngôi vị của các Pơtao Apuih không phải là cha truyền con nối mà là sự lựa chọn những người trong họ. Vua cũng chỉ được lấy một vợ như người bình thường. Con của vua đều phải lăn lưng trên rẫy, vật lộn với thiên nhiên, muông thú để kiếm cái ăn".

Ông Rah Lan Hieo

Ông Siu Luynh tạ thế năm 1999. Và từ đó đến nay, vị trí Vua Lửa vẫn để ngỏ bởi những người kế tục Hỏa xá theo truyền thống phải mang họ Siu. Ngôi vị của các Pơtao Apui không phải là cha truyền con nối mà là sự lựa chọn những người trong họ. Vua cũng chỉ được lấy một vợ như người bình thường. Con của Vua đều phải lăn lưng trên rẫy, vật lộn với thiên nhiên, muông thú để kiếm cái ăn.

Nếu người được chọn làm Vua Lửa đời kế tiếp ưng thuận, người trong vùng sẽ chuẩn bị lễ cúng gồm trâu, heo, gà, rượu…, nhưng tuyệt nhiên không được có bò. Sau đó, người này phải đến các làng ra mắt trong vòng 1 tháng, từ tháng Ba đến tháng Tư.

Bởi Vua Lửa Siu Luynh chưa có người nối ngôi, nên hiện người phụ tá Rơ Lan Hieo đang đảm đương công việc cúng cầu mưa cho dân làng Plei Ơi hàng năm. Thế nhưng, sau khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ khánh thành, quanh năm tưới mát cho ruộng đồng, vai trò cúng tế cầu mưa của Vua Lửa cũng phai nhạt dần.

Gươm báu gọi mưa

Người Jrai, qua bao nhiêu thế hệ vẫn còn kể cho nhau nghe truyền thuyết ra đời của “gươm thần”. Năm ấy, hạn hán kéo dài, sông Pa, sông A Yun cạn kiệt, cây rừng không mọc nổi, muông thú bỏ đi. Người Jrai đói khát phải lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây le nấu ăn thay gạo.

Trước tình thế đó, hai anh em T’Dia và T’Diêng lấy một hòn đá ở miệng núi lửa Hàm Rồng để rèn thành một cây gươm là Pơ Tao A Pui. Và họ đưa ra lời nguyền: “Ai có được thanh gươm sẽ có thể hô phong hoán vũ”.

Theo ông Rơ Lan Hieo, thanh gươm thần dài chừng 1 mét (kể cá cán), có màu đen (nhiều người cho là đồng ngả màu).

Theo ông Rơ Lan Hieo, thanh gươm thần dài chừng 1 mét (kể cá cán), có màu đen (nhiều người cho là đồng ngả màu).

Tuy nhiên, sau khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội; nhúng vào ghè, ghè cạn; nhúng xuống suối, suối khô; nhúng xuống sông, sông hết nước. Cuối cùng, người ta đem thanh gươm nhúng vào máu của nô lệ. Điều kỳ lạ là nó nguội ngay lập tức, và anh em T’Dia, T’Diêng vứt gươm xuống sông.

Hay tin, các bộ tộc người trong khu vực đều xuống sông lặn tìm thanh gươm. Người Jrai tìm thấy lưỡi gươm, người Lào thấy được chuôi gươm, còn người Kinh giữ vỏ gươm.

Nơi cất giữ gươm thần.

Nơi cất giữ gươm thần.

Theo truyền thuyết, “gươm thần” của người Jrai được nhiều dân tộc công nhận. Người giao tiếp được với gươm thần Pơ Tao A Pui được gọi là Vua Lửa Pơtao. Với người Jrai, gươm thần cũng là bảo vật gia truyền.

Theo lời kể của ông Rơ Lan Hieo, thanh “gươm thần” dài chừng 1 mét (kể cá cán), có màu đen (nhiều người cho là đồng ngả màu). Cất giấu cùng “gươm thần” trước đây còn có hai thanh gươm phụ và hai chiếc gậy đều có màu trắng, được xem như “người hầu cận” của “gươm thần”.

Vài chục năm gần đây, người dân từ các nơi khác đến lập nghiệp khá đông, cho nên nhiều vật dụng giấu kèm với gươm thần đã bị mất. Chính vì thế, năm 2009, ông Rơ Lan Hieo - phụ tá của Vua Lửa - đã thực hiện nghi lễ di dời “gươm thần” từ núi Chư Tao Yang về cất giấu kỹ ở một nơi đặc biệt mà ngoại trừ Vua Lửa và phụ tá, không ai được đặt chân đến, kể cả một số người có trách nhiệm của huyện Phú Thiện.

“Người xưa truyền lại rằng, nếu ai cố tình nhìn “gươm thần” mà chưa được phép của Vua Lửa thì sẽ bị phát điên, hoặc có tai họa giáng xuống đầu. Có lẽ nhờ vậy mà thanh gươm còn được lưu giữ đến ngày nay”, ông Rơ Lan Hieo nói.

Ông Rơ Lan Hieo - phụ tá vua lửa thứ 14 thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa.

Ông Rơ Lan Hieo - phụ tá vua lửa thứ 14 thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa.

Trong đời sống của người Tây Nguyên, thuở sơ khai, khi con người hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, lửa là yếu tố quan trọng nhất, và vai trò chính của Vua Lửa là dùng “gươm thần” để cầu mưa, cũng là một thứ thiết yếu đối với loài người. Bởi thế, họ cho rằng “gươm thần” mang sức mạnh huyền bí và bất khả xâm phạm.

Trên một miếng đất rộng đã được quét tước sạch sẽ, những lão làng Jrai trong trang phục lễ nghi truyền thống trải bức chiếu trên vạt cỏ bên cồn đất để Vua Lửa ngồi làm chủ lễ với mâm bát, bình ché bày kề bên. Các lão làng cùng trai trẻ thay nhau gióng lên chiêng trống. Những người khác lo nhóm bếp nhen lửa.

Theo truyền thống thì lễ cầu mưa phải có đủ các thành phần: 1 ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, 1 tô gạo, 1 đĩa thịt được cắt ra bày sẵn. Sau hồi khấn vái cùng nghi thức rẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe cầu phúc từ bàn tay của chính Vua Lửa, ông ta sẽ ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu bằng tay phải.

Lễ vật lễ cúng cầu mưa gồm một ghè rượu, một tô gạo, thịt được cắt ra thành từng miếng bày sẵn.

Lễ vật lễ cúng cầu mưa gồm một ghè rượu, một tô gạo, thịt được cắt ra thành từng miếng bày sẵn.

Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, thể hiện được vẻ trang nghiêm, trịnh trọng của Vua Lửa. Vừa khấn, Vua Lửa vừa lấy gạo trong tô vãi ra để mời các vị thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ. Sau đó, Vua Lửa sẽ lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt, Vua Lửa cũng không quên cầm cây gươm thần, vừa chỉ hướng từ đông sang tây, vừa luôn miệng cầu khấn.

Và, thật diệu kỳ, vừa dứt lời tế, mây đen từ đâu vần vũ kéo tới, sấm rền vang, chớp giật đùng đùng và mưa như trút nước. Cư dân khắp nơi chỉ biết hướng về làng Plei Ơi mà vái lạy.

Ông Rơ Mah Thuyn - Phó Chủ tịch xã Ayun Hạ - chia sẻ: "Lễ hội cầu mưa thực sự có ý nghĩa để bà con hiểu được tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc mình. Giữ gìn các bản sắc đó để mai này, các thế hệ con, cháu biết được rằng, ở thôn, làng mình có các đời vua ban cho dân làng những cơn mưa, cho dân làng được may mắn và có một cuộc sống bình yên".

Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận Plei Ơi là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2015, "Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui" được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Có thể bạn quan tâm