Hệ sao HD 164922 có tới 3 hành tinh mang đặc điểm của các hành tinh trong Hệ Mặt trời, nhưng tính chất của chúng bị xáo trộn kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Serena Benatti từ Đài quan sát thiên văn Thành phố Palermo (Ý) đã phát hiện ra một "hệ mặt trời" dị thường mang tên HD 164922, hay còn gọi là Gliese 9613 hoặc LHS 3353. Quay quanh ngôi sao mẹ già cỗi 9,6 tỉ năm tuổi, nhỏ hơn mặt trời một chút là 3 hành tinh mang đặc điểm của trái đất, Sao Thổ và Sao Hải Vương.
Mô tả về siêu trái đất chết chóc trong hệ sao mới được phát hiện. Ngược lại, một hành tinh giống Sao Thổ trong hệ này lại có khí hậu ôn đới thân thiện - ảnh đồ họa từ Sci-News |
Thông thường, các hành tinh sẽ lần lượt được đánh ký tự b, c, d… kể từ hành tinh gần sao mẹ nhất. Tuy nhiên do việc phát hiện 3 hành tinh này có phần ngược với các hệ sao khác – hành tinh xa nhất được nhìn thấy trước, nên tên các hành tinh cũng trở nên ngược đời. Không chỉ vậy, cho dù mang đặc điểm giống 3 hành tinh của Hệ Mặt trời, các tính chất của 3 hành tinh này dường như được xáo trộn lung tung cho nhau: hành tinh giống trái đất thì chết chóc, hành tinh giống Sao Thổ thì có khí hậu tuyệt vời.
Hành tinh giống Sao Thổ - HD 164922b - quay quanh sao mẹ mỗi 1.200 ngày và có khoảng cách với sao mẹ là 2,2 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU bằng khoảng cách từ mặt trời tới trái đất). Nó chính là hành tinh có khí hậu ôn đới, tức nhiệt độ và thời tiết có thể "dễ sống" như trái đất.
Hành tinh gần hơn một chút tên HD 164922c, giống Sao Hải Vương nhưng nhỏ hơn một chút, nặng gấp trái đất 12,9 lần, 1 năm dài 75,8 ngày tráo đất và cách sao mẹ 0,35 AU.
Trong cùng là một siêu trái đất mà nhóm nghiên cứu đã rất khó khăn mới tìm thấy, tức nó thuộc dạng hành tinh đá giống trái đất nhưng lớn hơn nhiều. Hành tinh này nặng gấp 4 lần trái đất, mang tên HD 164922d, 1 năm dài 12,5 ngày. Với khoảng cách 0,1 AU với sao mẹ, nó nóng như địa ngục!
Sau các kết quả vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics, nhóm nghiên cứu cho biết có thể nhờ đến sự trợ giúp của vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh CHEOPS của ESA để tìm hiểu thêm về chúng. Nghiên cứu ban đầu dựa trên sự quan sát từ một thiết bị quang phổ tối tân ở Đài thiên văn Roque de los Muchachos (La Palma, Canary, Tây Ban Nha).
Theo A. Thư (Theo Sci-News, NASA)