Thời sự - Bình luận

"Lỗ hổng" trong văn hóa giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2016-2020 và Năm ATGT 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá rất cao công tác đảm bảo trật tự ATGT trong 5 năm qua.

Theo đó, tình hình trật tự ATGT đã được kiềm chế, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí. So với cùng kỳ 5 năm trước, số vụ TNGT giai đoạn 2016-2020 giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người bị thương giảm gần 54%, trong khi đó điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới tăng nhanh. Đặc biệt, năm 2020, TNGT giảm trên 10% cả số vụ, số người chết và số người bị thương.  

Dư luận những ngày qua vô cùng bức xúc trước hành vi đánh nữ sinh sau TNGT vào chiều 7-12 trên đường Bùi Ngọc Thu (thuộc khu phố 5, phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) của đối tượng Lê Tấn Thành (29 tuổi, trú tại phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một). (Ảnh: Cắt từ clip/nguồn zingnews)
Dư luận những ngày qua vô cùng bức xúc trước hành vi đánh nữ sinh sau TNGT vào chiều 7-12 trên đường Bùi Ngọc Thu (thuộc khu phố 5, phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) của đối tượng Lê Tấn Thành (29 tuổi, trú tại phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một). (Ảnh: Cắt từ clip/nguồn zingnews)


Đồng hành cùng cả nước, trong 5 năm qua, Gia Lai cũng kéo giảm cả 3 chỉ số về TNGT. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.896 vụ TNGT, làm chết 1.145 người, bị thương 2.018 người. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ TNGT giảm 10,73%, số người chết giảm 5,76% và số người bị thương giảm 17,02%.

Khẳng định “Tình hình trật tự ATGT đã có những chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2011-2015”, song Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: tình hình trật tự ATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao; còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải…

Phân tích nguyên nhân vì sao tình hình trật tự ATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, một số chuyên gia cho rằng một phần là do văn hóa giao thông chưa được cộng đồng tôn trọng và tự giác thực hiện. Mặc dù các ngành và địa phương tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện văn hóa giao thông, nhưng trên thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp không những vi phạm pháp luật về giao thông mà còn xâm hại nghiêm trọng đến văn hóa giao thông. Dư luận những ngày qua vô cùng bức xúc trước hành vi đánh nữ sinh sau TNGT vào chiều 7-12 trên đường Bùi Ngọc Thu (thuộc khu phố 5, phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) của đối tượng Lê Tấn Thành (29 tuổi, trú tại phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một). Đây là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức cũng như những “lỗ hổng” trong văn hóa giao thông hiện nay!

Những năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia và ngành chủ quản tập trung nghiên cứu và đưa ra nội hàm về văn hóa giao thông. Theo đó, văn hóa giao thông trước hết là phải hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông. Bên cạnh đó, mọi người phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Vấn đề cuối cùng là phải cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như: tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh; ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ; biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt…

Để văn hóa giao thông lan tỏa trong đời sống cộng đồng, theo chúng tôi, các ngành và địa phương cần chú trọng yếu tố nêu gương. Trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ thực thi công vụ phải gương mẫu chấp hành các quy định về văn hóa giao thông. Đây sẽ là những tấm gương sáng để quần chúng nhân dân học tập và làm theo. Nếu đội ngũ này vi phạm văn hóa giao thông thì mọi nội dung tuyên truyền, vận động chỉ là giáo điều, thậm chí phản tác dụng. Văn hóa giao thông được hình thành từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, muốn thế hệ tương lai tham gia giao thông có văn hóa thì các bậc phụ huynh, người lớn phải nghiêm túc chấp hành pháp luật về giao thông và ứng xử có văn hóa khi lưu thông trên đường.

Hy vọng, những “lỗ hổng” về văn hóa giao thông sẽ được lấp đầy trong tương lai không xa. Khi đó, TNGT sẽ không còn là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà.

 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm