Ngày 27.8, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết đã có văn bản về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận 86 ổ dịch với 252 ca mắc sốt xuất huyết, xảy ra tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh Kon Tum đang bước vào mùa mưa, kết hợp thời tiết nóng ẩm là thời điểm thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (còn gọi muỗi vằn) sinh sôi và phát triển mạnh. Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới và dự kiến đạt đỉnh vào khoảng tháng 9, 10.
Sở Y tế tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần chủ động khẩn trương, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp hữu hiệu nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Đức Nhật |
Bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã chỉ đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tại khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và địa bàn chưa quản lý tốt việc tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Riêng các địa phương có ca và ổ dịch sốt xuất huyết tăng, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường thực hiện những biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, tổ chức kiểm tra khuôn viên trường, lớp trên địa bàn bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học, đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhất là thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy...
Đắk Lắk: Ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì sốt xuất huyết trong năm 2024
Gia Lai: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Theo Đức Nhật (TNO)