Loại bỏ những "điểm đen" trong tuyển sinh đầu cấp!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp phổ thông (lớp 1, lớp 6, lớp 10) ở các địa phương trong cả nước không có những biến động lớn, vẫn duy trì 2 hình thức là xét tuyển và thi tuyển. Ở những tỉnh, thành phố lớn có dân số tăng cơ học cao như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, việc tuyển sinh đầu cấp có vất vả hơn vì số học sinh luôn biến động theo từng năm khiến các trường công lập thiếu chủ động, lúng túng trong việc tiếp nhận, sắp xếp số học sinh dôi dư, nhất là các trường điểm, trường có “thương hiệu”…
 

Ảnh minh họa

Nếu như mọi việc diễn ra minh bạch, đúng với quy chế tuyển sinh mà các cấp quản lý ngành Giáo dục-Đào tạo hướng dẫn thì không có những vụ lùm xùm, tiêu cực xảy ra khiến nhiều trường học mất đi vẻ trong sáng của môi trường sư phạm. Trong thực tế, công tác tuyển sinh ở các đô thị thường diễn ra phức tạp hơn vùng nông thôn và nó tạo ra những điểm nghẽn hoặc “điểm đen” là do nạn chạy trường, chạy lớp. Điều này có một nguyên nhân cơ bản từ phía phụ huynh do nhận thức chưa đúng về bản chất của việc dạy và học tại các đơn vị giáo dục. Cha mẹ học sinh ở vùng nông thôn thường không có sự lựa chọn cho con em mình học trường nào, nhưng ngược lại ở vùng đô thị, nhất là các thành phố thì đa số phụ huynh có tâm lý mong muốn cho con vào học các trường tốt nhất hay trường chuyên, lớp chọn.

Vì vậy, những trường phổ thông “có danh” hoặc trường điểm thường là ưu tiên lựa chọn của các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình thuộc diện ngoài quy chế xét tuyển (không đúng tuyến). Để vượt tuyến, nhiều gia đình đã chuẩn bị từ trước bằng cách chạy hộ khẩu thường trú cho con về khu vực có điểm trường mà mình nhắm đến hoặc chạy điểm đẹp ở các lớp dưới để xét tuyển hay sử dụng đồng tiền, dùng “thế thần” từ trên áp đặt xuống… Nói là quy chế, quy trình nhưng thực ra các trường bao giờ cũng có độ giãn nhất định. Chính điều đó đã làm nảy sinh tiêu cực trong đội ngũ giáo viên, nhất là Ban Giám hiệu, đứng đầu là Hiệu trưởng nhà trường.

Tại TP. Pleiku, ngoài Trường THPT Chuyên Hùng Vương phải thi tuyển, còn các trường xét tuyển. Ở khối THPT, phụ huynh thường nhắm đến Trường THPT Pleiku; đối với THCS thì có Trường THCS Nguyễn Du; với Tiểu học có Trường Tiểu học Chu Văn An… Ngoài việc chọn trường, phụ huynh còn chọn lớp và giáo viên cho con em mình. Sự quan tâm đó không có gì sai vì ai cũng muốn con em mình được hưởng sự giáo dục tốt nhất với niềm tin là “thầy giỏi mới có trò giỏi”.

Các chuyên gia giáo dục và các nhà giáo thâm niên cho rằng, ngoài trường chuyên được ngành ưu tiên về cơ sở vật chất, chuẩn giáo viên và được áp dụng quy chế thi tuyển đầu vào để chọn học sinh khá-giỏi, còn các trường khác ở đô thị không có độ vênh lớn về trình độ giáo viên, trang-thiết bị nên chất lượng dạy và học cũng tương đương. Chỉ một số trường điểm cấp THPT có quy chế xét tuyển những học sinh có điểm cao nên đầu vào được chọn lọc ưu ái hơn những trường bình thường khác. Một trong những vấn đề mà phụ huynh thường e ngại  là những trường thiếu nền nếp, có nhiều học sinh cá biệt thường gây ra nhiều vụ bạo lực học đường nên không cho con mình vào học. Hiện nay, các địa phương có nhiều trường THPT công lập, để tạo sự công bằng, lãnh đạo đã quy định tuyển sinh theo vùng như ở cấp Tiểu học và THCS.

Nạn chạy trường, chạy lớp khi đến mùa tuyển sinh hàng năm đã gây ra “điểm đen” trong ngành Giáo dục-Đào tạo nhiều năm qua nhưng các cấp quản lý chưa có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả. Tất nhiên, kiểu tham nhũng bằng hình thức lót tay trong các trường học như vậy rất khó phát hiện vì giá trị vật chất không lớn đối với từng trường hợp. Dù dư luận có cho rằng, đó là những vụ tham nhũng vặt so với hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chả thấm vào đâu nhưng xét về tính chất thì “tham nhũng giáo dục là loại tham nhũng tồi tệ nhất vì nó hủy hoại dân trí và tinh thần của dân tộc” nên bằng mọi giá phải loại bỏ những con sâu ấy ra khỏi môi trường sư phạm.

Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm