Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

“Loài người ma” 700.000 tuổi hiện diện giữa thành cổ Hy Lạp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khu vực thị trấn Megalopolis của Hy Lạp không chỉ chứa đựng một thành cổ hơn 1.600 tuổi mà còn che giấu lãnh địa của ít nhất một "loài người ma" tồn tại trước Homo sapiens chúng ta 400.000 năm.

Cuộc khai quật kéo dài 5 năm dẫn đầu bởi Bộ Văn hóa và thể thao Hy Lạp và Trường Nghiên cứu cổ điển Mỹ tại Athens (Hy Lạp) đã tiết lộ nhiều kho báu lớn là dụng cụ sinh hoạt bằng đá của 3 nhóm người có niên đại 280.000 năm, 400.000 năm, 450.000 năm và 700.000 năm.

Nhóm khảo cổ đang làm việc tại các di chỉ quanh Megalopolis - Ảnh: BỘ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO HY LẠP

Nhóm khảo cổ đang làm việc tại các di chỉ quanh Megalopolis - Ảnh: BỘ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO HY LẠP

Tất cả được tìm thấy quanh khu vực thị trấn Megalopolis ở tỉnh Arcadia của Hy Lạp, nơi từng tọa lạc một thành phố cổ phồn thịnh cùng tên, được xây dựng từ thế kỷ thứ IV sau Công Nguyên.

Ngoài tàn tích thành cổ, từ lâu, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết của con người cổ xưa hơn, được cho là những Homo sapiens ban đầu, tức Người Tinh Khôn - chính là loài của chúng ta.

Thế nhưng các cuộc khai quật mới đã thay đổi tất cả. Homo sapiens đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất chỉ hơn 300.000 năm trước, vì vậy các di chỉ lâu đời hơn không thể do tổ tiên chúng ta tạo nên, mà thuộc về một "loài người ma" khác biệt, chưa xác định được.

Địa điểm Choremi 7 có niên đại khoảng 280.000 năm, nơi duy nhất có thể thuộc về Homo sapiens, chứa các công cụ đá và xương hươu có dấu hiệu của các vết cắt.

Tripotamos 4, 400.000 năm tuổi, có nhiều công cụ đá với phương pháp chế tác được cải tiến rõ ràng so với các di chỉ cũ hơn. Marathousa 2, 450.000 tuổi, cho thấy dấu hiệu về một "loài người ma" đang giết và có thể ăn thịt hà mã. Trong khi đó, Marathousa 1 cùng niên đại cho thấy bằng chứng về việc giết thịt voi.

Đáng chú ý nhất, di chỉ Kyparissia 4, 700.000 tuổi, chứa kho công cụ đá lớn nhất và hài cốt các họ hàng đã tuyệt chủng của hươu, hà mã, tê giác, voi và khỉ ngày nay, hầu hết đều khổng lồ so với người bà con hiện đại.

Đây là khu vực duy trì được độ ấm áp hiếm hoi ở châu Âu trong "thời kỳ băng hà lớn" sau đó, diễn ra từ 500.000 đến 300.000 năm trước.

Các công cụ đào được ở Choremi 7 - Ảnh: BỘ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO HY LẠP

Các công cụ đào được ở Choremi 7 - Ảnh: BỘ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO HY LẠP

Nghiên cứu không chỉ chứng minh khu vực này như nơi ẩn náu của muôn loài trong thời kỳ khắc nghiệt của châu Âu, mà còn lưu giữ chúng với điều kiện bảo quản vượt trội - nhà cổ sinh vật học Katerina Harvati từ Đại học Tubingen (Đức), người đứng đầu phần nghiên cứu của dự án nói với Live Science.

Tìm hiểu sâu hơn về các di chỉ này có thể giúp tái hiện một trang lịch sử đầy bí ẩn của nhân loại và những loài tiền thân có thể đã sống cùng - và có khi giao phối dị chủng - với Homo sapiens ở châu Âu.

Có thể bạn quan tâm