Thời sự - Bình luận

Loay hoay câu hỏi "thi để làm gì?"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với khoảng 1 triệu thí sinh tham gia đã khép lại. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), lần này tiếp tục là một kỳ thi thành công, an toàn!

Có không ít yếu tố tích cực cần được ghi nhận trong công tác thi cử năm nay. Một là, thời điểm thi được "đôn" lên sớm hơn, cuối tháng 6 thay vì tháng 7-2023. Nhờ vậy, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng sớm theo, tân sinh viên sẽ nhập học vào tháng 9 cùng năm, phù hợp cho khâu tổ chức dạy và học trong toàn hệ thống giáo dục. Hai là, cấu trúc đề thi của hầu hết các môn được giữ ổn định để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Sự ổn định này tránh tạo áp lực thêm cho học sinh và không gây xáo trộn trong việc chuẩn bị thi cử.

Sang năm, 2024, cũng sẽ ổn định như vậy. Nhưng từ năm 2025 trở đi, dự kiến sẽ có nhiều cái mới, khi mà cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT phải bám sát Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang áp dụng, trong đó số lượng môn thi bao nhiêu, những môn nào bắt buộc (chờ lấy ý kiến các giới, ngành trước khi quyết định chính thức) sẽ phục vụ cho mục đích đánh giá sát hơn nữa năng lực của thí sinh, từ đó làm cơ sở tốt nhất để các trường đại học, cao đẳng có thể tuyển sinh một cách chân xác.

Nhưng dẫu cho cách thức sát hạch hay cấu trúc đề, hoặc môn học nào được chọn để thi sẽ được đổi mới tới mức nào đi nữa, thì vấn đề cốt lõi nhất vẫn phải đặt ra để tìm cho được câu trả lời thỏa đáng, ấy là: Mục đích thật sự của thi tốt nghiệp THPT là gì, khi mà tỉ lệ đỗ luôn quá cao, 3 năm gần nhất đều trên 96%? Năm 2022, tỉ lệ tốt nghiệp chung của các hệ thuộc khối THPT là 98,57%, riêng thí sinh hệ THPT đạt tới 99,16%. Thế thì tổ chức thi làm gì, nếu chỉ nhằm loại ra chưa tới 1 em quá kém trong số 100 em thi? Trong 3 năm học THPT, học sinh đã trải qua rất nhiều kỳ sát hạch rồi và các kỳ sát hạch này cũng do chính Bộ GD-ĐT quy định; năng lực các em đã thể hiện rõ trong học bạ lớp 10, 11, 12.

Từ đây, phải nghĩ tới phương án: Xét tốt nghiệp THPT theo kết quả học bạ, thay vì phải thi cử nhọc nhằn, tốn kém. Chưa làm đại trà ngay được thì có thể thí điểm trước. Rất nhiều trường đại học tuyển sinh bằng phương án xét điểm học bạ của học sinh cơ mà?!

Một góc nhìn khác, từ nhiều cơ sở đào tạo đại học, rằng: Điểm học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT chưa nói lên điều gì; muốn đỗ đại học, thí sinh phải qua ải kỳ thi đánh giá năng lực hoặc kỳ thi riêng do chính trường đại học đó tổ chức. Thực tế đang diễn ra: đại đa số học sinh phải cắm mặt vào thi, thi và thi; trong khi đó hoàn toàn có thể bớt đi số kỳ sát hạch để giảm áp lực, đỡ tốn kém.

Và, phải nhìn thẳng vào sự thật của thời buổi bây giờ: Tấm bằng tốt nghiệp THPT không còn giá trị mấy. Chỉ với nó, khó mà xin được việc làm, mà phải học lên nữa; cầm tấm bằng đại học hạng ưu còn vất vả tìm việc nữa là…!

Bàn đến đây, đành quay lại câu hỏi đã nêu trên, dành cho "cỗ máy cái" Bộ GD-ĐT: Mục đích thật sự của thi tốt nghiệp THPT là gì?

Có thể bạn quan tâm