Thời sự - Bình luận

Lối ra cho... rác!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuối cùng thì bài toán xử lý rác thải dường như đã có lời giải khi dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội vào ngày 24-10 đã đề cập cụ thể và cách giải quyết triệt để việc phân loại rác thải - vấn đề gây xung khắc tại nhiều địa phương trong thời gian qua.
 

Theo quy định tại dự thảo luật lần này, từng hộ gia đình, tổ chức phải phân loại rác thải tại nguồn và đơn vị thu gom có quyền từ chối thực hiện dịch vụ nếu khâu này không được thực hiện. Như thế, những ai ý thức kém, ù lì với quy định phân loại rác lâu nay sẽ phải nghiêm túc ứng xử với rác nếu không muốn sống chung với ô nhiễm.
 

Những thùng phân loại được bố trí ở điểm tập kết rác thải được sơn xanh - vàng để phân biệt chất thải hữu cơ và chất thải tái chế. Xe chở chất thải hữu cơ được phân biệt với xe chở chất thải còn lại bằng hai màu sắc khác nhau - Ảnh: Ý LINH
Những thùng phân loại được bố trí ở điểm tập kết rác thải được sơn xanh - vàng để phân biệt chất thải hữu cơ và chất thải tái chế. Xe chở chất thải hữu cơ được phân biệt với xe chở chất thải còn lại bằng hai màu sắc khác nhau - Ảnh: Ý LINH


Câu chuyện xử lý rác luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội. Quy mô dân số càng tăng, kinh tế phát triển càng mạnh mẽ thì việc xử lý rác càng phức tạp. Ở phạm vi toàn cầu, rác tấn công các đô thị, tràn ra nông thôn, xâm hại tự nhiên và góp phần tiêu diệt nhiều giống loài, uy hiếp sự vận động tự nhiên của các hệ sinh thái. Hình ảnh những chú rùa biển chết dần mòn trong những tấm lưới siết chặt cơ thể; những chú cá quý hiếm ngạt thở trong những chiếc túi ni-lông thả trôi trong biển hay từng bầy hải cẩu ngập ngụa trong rác thải…đã được thường xuyên đệ trình lên Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc trong gần 5 thập niên qua cũng đã nói lên sự nghiêm trọng của vấn đề.

Tại Việt Nam, rác thải đã thực sự tác động xấu đến môi trường. Đây cũng là nguyên nhân gây mâu thuẫn ngày càng tăng giữa cư dân địa phương với những nhà máy xử lý rác thải kiểu thủ công bởi sự ô nhiễm trầm trọng. Không còn cách nào khác, phân loại rác thải để xử lý triệt để là việc phải làm.

Đáng tiếc, chúng ta thừa phong trào, thừa kế hoạch nhưng lại thiếu cách thực hiện hiệu quả để buộc mọi người phải tuân thủ phân loại rác. Bất cứ ở đâu cũng có thể thấy bảng phân loại rác kèm theo những thùng rác riêng biệt, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể thấy người bỏ chung các loại rác thải. Rác không được phân loại thì giải quyết càng khó khăn, mức độ gây ô nhiễm càng lớn và tất cả mọi người nhận lại hậu quả từ sự ô nhiễm này. Nói cách khác, tùy tiện thải rác cũng là cách tự đầu độc mình.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) nếu được thông qua và áp dụng hy vọng sẽ góp phần mang lại môi trường trong lành. Trước tiên sẽ dần giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm khu dân cư, làm sạch hạ tầng và tiến tới phát triển ngành công nghiệp tái chế và thậm chí là xuất khẩu rác đã được phân loại như một số quốc gia châu Âu đang thực hiện. Tái chế được rác thải sẽ giảm được gánh nặng nhập khẩu hạt nhựa, giảm lượng nhựa thải ra môi trường, giảm nhập nguyên liệu thô của ngành cơ khí, giấy… Để hiện thực hóa viễn cảnh đó thì việc đầu tiên là phải bỏ rác đúng quy định.

Hiện nay, không một quốc gia nào dám xem rác thải là chuyện nhỏ. Nhìn cách xử lý một cọng rác có thể hình dung ý thức của từng người ứng xử với cộng đồng và kế hoạch của quốc gia đối với môi trường.

Theo Hồ Hiếu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm