Thời sự - Bình luận

Lợi tức 200%/năm - chỉ có lừa đảo và phạm pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Lợi tức kinh doanh mấy chục % trong bối cảnh dịch bệnh là khó, nhưng họ cam kết lợi tức mấy trăm % thì rõ ràng là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói về các sàn Forex đang hoạt động tại Việt Nam.

Ảnh minh họa: Thế Lâm.
Ảnh minh họa: Thế Lâm.



“Chơi nóng”, theo ngày, thì lợi tức 2-3%. Chỉ cần 1.000USD cứ ngủ một giấc là sáng ra đã “lòi” ra 1,2 củ”. Đây những “bùa ngải” mà An được một “người bạn” tính toán khi tham gia sàn giao dịch ngoại hối (Forex).

An, 43 tuổi, không biết nửa chữ tiếng Anh - sau đó vay mượn để có tiền “chơi Forex” với niềm tin rằng: “Ôi anh ơi, cả chục ngàn người chơi đấy!”.

Và đến hôm qua, An tá hoả khi nhận thông báo chính thức, rằng chưa có bất cứ các sàn Forex nào được cấp phép hoạt động ở Việt Nam. Rằng tất cả đều bất hợp pháp. Rằng tất cả các cá nhân - kể cả đầu tư - đều đang tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trong cuộc họp báo thường kỳ chính phủ còn khẳng định: Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa như hình thức thu hút đầu tư của Liber Forex đều bị cấm.

Còn Phó Thống đốc cũng nói thêm điều mà đáng lẽ bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải biết: “Lợi tức mấy trăm % thì rõ ràng là có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp”.

2-3%/ngày, hay 192-200%/năm; những khoản thưởng “trĩu túi”, cả xe hơi nữa... nếu rủ rê mời gọi thêm bạn bè người thân cùng “đầu tư”. Cái sàn đa cấp này quả là biết đánh trúng lòng tham cá nhân. Và trong chốc lát, người ta quên khoắng “dịch đa cấp” từng càn quét không thương tiếc túi tiền chính mình. Quên khoắng những “ngân hàng cột điện” (các tờ rơi quảng cáo cho vay kiểu tín dụng đen dán la liệt trên các cột điện) mà đồng nghĩa là lãi cắt cổ, là xã hội đen sẵn sàng chặt tay đòi nợ.

Nhưng nhìn vào thực tế hàng chục nghìn “nhà đầu tư” ném tiền tỉ vào Forex, nhìn vào cách Forex hoạt động, có thể thấy rõ đây là hoạt động đang nằm ngoài khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật.

Bởi trong thông tư 15 quy định đối với giao dịch ngoại hối đối tượng điều chỉnh chỉ là các tổ chức tín dụng. Trong khi việc cá nhân có được tham gia giao dịch ngoại hối trên thị trường quốc tế hay không vẫn còn trong trạng thái không rõ ràng. Không tồn tại bất kỳ quy định nào cấm nhưng cũng không có quy định nào cho phép - nhìn nhận của chuyên gia trên Saigontimes.

Người dân bị lừa, kéo theo nó luôn là những bi kịch, những bất ổn xã hội.

Một khuyến cáo, một khẳng định sự bất hợp pháp để người dân biết và giữ chặt túi tiền vì thế là cần thiết nhưng chưa đủ. Bởi nếu quản lý nhà nước chỉ chạy theo sẽ luôn chỉ là chữa cháy mà thôi.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/loi-tuc-200nam-chi-co-lua-dao-va-pham-phap-859527.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm