Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Lớp giáo viên đầu tiên của huyện H2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa đến thăm thầy Siu Jé-nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Trong căn nhà ấm áp tại thị trấn Phú Túc, thầy Siu Jé kể về những kỷ niệm khó quên trong quãng đời dạy học của mình.

Thầy Siu Jé hồi nhớ: Đó là những tháng ngày gian khó của lớp giáo viên đầu tiên huyện H2 (nay là huyện Krông Pa). Ngày 25-3-1975, UBND xã Chư Drăng (huyện H2) triệu tập toàn thể thanh niên trong xã tập trung tại rẫy của người dân. Nội dung là nghe cán bộ thông tin về quá trình diễn biến đấu tranh giành lại chính quyền về tay Nhân dân và giải phóng miền Nam cùng một số nội dung quan trọng khác.

Cán bộ chủ trì hội nghị có ông Ama Kao đại diện quân giải phóng và ông Ama Đoai-đại diện chính quyền giải phóng phụ trách xã Chư Drăng. Sau 6 ngày nghe quán triệt và động viên, hầu hết thanh niên đều đăng ký đi học các ngành như: sư phạm, lái xe, bưu điện, y tế, đo đạc, thông tin.

Thầy Siu Jé (hàng đầu, ngồi giữa) dự lễ khai giảng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Krông Pa năm học 1989-1990 (ảnh nhân vật cung cấp).

Ngày 1-4-1975, tất cả thanh niên đã đăng ký tập trung tại trung tâm huyện. Mọi người đều nô nức, phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ. Riêng 12 thanh niên có trình độ cấp II, cấp III thì được đưa vào ngành Giáo dục do ông Đỗ Viết Tý làm cụm trưởng. Trong số đó, huyện giữ lại 3 người dạy lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ gồm ông Ksor Wang, ông Ksor Uyên và bà Nay HNhúi.

“Trong khi chờ thông báo đi học, chúng tôi được cử xuống các xã cùng với đoàn công tác của huyện triển khai nhiệm vụ đến chính quyền địa phương. Mục đích là tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ trật tự an ninh, củng cố chính quyền nhân dân, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Đến ngày 10-4-1975, chúng tôi nhận thông báo đi học lớp sư phạm tại Đak Lak. Học xong, chúng tôi tiếp tục học tập bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo bậc học, ngành học rồi trở về huyện để nhận quyết định công tác”-thầy Siu Jé nhắc nhớ.

Trầm ngâm một lát, thầy Siu Jé kể tiếp: “Tuy nhận nhiệm vụ công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện vô cùng khó khăn nhưng ai cũng vui vẻ lên đường. Chúng tôi đi bộ đến xã Krông Năng-xã xa nhất của huyện H2 với chiếc ba lô trên vai, đôi dép cao su 4 quai thuận lợi cho việc băng rừng, lội suối. Chúng tôi lấy khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, “Đi dân thương, về dân mến” làm nguồn động viên tinh thần và tạo động lực để làm việc”.

Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, thầy Siu Jé và đồng nghiệp phân công nhau đến từng buôn làng vận động mở lớp. Thời điểm này, tiền lương giáo viên chưa có. Lương thực, thực phẩm dựa hoàn toàn vào dân, chủ yếu là cơm trộn bắp hoặc khoai lang, khoai mì cùng với rau rừng. Nhiệm vụ của giáo viên lúc này là ban ngày dạy lớp tiểu học cho học sinh từ 7 đến 10 tuổi; ban đêm dạy lớp bình dân học vụ cho đối tượng thanh niên nam nữ trong làng.

Đèn dầu không có, giáo viên dùng tre hoặc nứa làm đuốc chiếu sáng, cháy hết cây này lại thay cây khác. Giáo viên nhờ dân làng dùng rìu để vạt gỗ thành tấm ván, ghép lại 3-4 miếng thành bảng để viết. Lớp học, bàn ghế đều do bà con làm giúp nên hết sức đơn sơ; chủ yếu là dùng tre nứa, lồ ô làm cột, làm vách, mái thì lợp tranh hoặc lá cọ. Vất vả nhất là tại các khu dân cư nằm rải rác ở các buôn, năm nào, giáo viên cũng phải vận động người dân làm lớp học trong thời gian nghỉ hè 3 tháng để kịp khai giảng năm học mới.

Năm học 1975-1976, các xã: Đất Bằng, Ia Hdreh, Krông Năng bắt đầu mở lớp 1, sau đó, tuần tự học lên lớp 5. Xã nào có điều kiện thì mở lớp 6 nhô. Nếu không có lớp thì các em học sinh đi học tại xã khác hoặc học bổ túc văn hóa ở huyện. Phương pháp giảng dạy của giáo viên chủ yếu là theo cách thức truyền thống: giáo viên viết, đọc cho học sinh nghe và ghi chép, vì lúc này, sách giáo khoa vô cùng khan hiếm. Học sinh phần lớn là người Jrai, chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc nhiều với tiếng Việt. Vì vậy, nội dung nào học sinh không hiểu, giáo viên phải giảng giải bằng tiếng Jrai. Thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt khiến anh em giáo viên thường bị sốt rét.

Thầy Siu Jé chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự nhủ, dù có vất vả thế nào, mỗi người đều phải phấn đấu, khắc phục vượt qua; bám trường, bám lớp, tất cả vì học sinh thân yêu. Cùng với đó, chúng tôi luôn nâng cao trách nhiệm, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi thời gian công tác đủ 5 năm ở vùng khó khăn nhất, chúng tôi được chuyển về đơn vị mới. Giờ đây, lớp giáo viên chúng tôi đã nghỉ hưu nhiều năm. Sự nghiệp giáo dục của huyện đã có nhiều đổi thay vượt bậc. Bản thân tôi vừa nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, là niềm vinh dự lớn của người đảng viên, giáo viên. Chúng tôi luôn tự hào là đã cống hiến tuổi trẻ và tri thức của mình cho sự nghiệp giáo dục của huyện”.

Có thể bạn quan tâm