27 năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi… nhưng vẫn còn nguyên lớp học tình thương Phước Thiện của cô Đặng Thu Thảo hôm nào. Mái tóc cô đã bạc nhưng tấm lòng của cô với sự nghiệp trồng người vẫn tròn vẹn như xưa.
Những đứa trẻ bên sông…
Cô Thảo nói, cô mở lớp học tình thường 27 năm trước như một cái duyên. “Nhà tôi ở trung tâm thành phố, cuộc sống xung quanh cũng khá ổn định. Đến khi gia đình chuyển ra huyện Nhà Bè thì mọi sự thay đổi rất nhiều, quanh nhà tôi có nhiều trẻ em không được đi học, chúng lang thang dưới những hàng dừa, những dòng kênh và không biết làm gì”.
Từ một học sinh lớp tình thương, bây giờ cô Hoa đã trở thành giáo viên trong trường. |
Cô Thảo nhớ lại: “Tôi đã gặp nhà trường, xin mở lớp học tình thương, gom bọn nhỏ trong vùng lại. Nhà trường đồng ý ngay. Nhưng tôi ra một điều kiện với nhà trường là tôi sẽ chỉ dạy hết cấp 1 thôi, còn từ cấp 2 trở lên tôi sẽ gửi các cháu vào trường phổ thông và nhà trường không được phân biệt đối xử với các cháu. Trường đồng ý và tôi xoay xở để mở trường”.
Ngày đó, mọi người thường gọi lớp học của cô Thảo là “lớp dạy xóa mù chữ”. Nhiều người lớn tuổi thấy cũng xin vào học, nhưng cô Thảo đành phải từ chối họ để ưu tiên cho những trẻ em đang trong độ tuổi đến trường.
Số phận khắc nghiệt đã vô tình khiến cô thêm gắn bó với mái trường mà mình tạo dựng. Cô Thảo kể, ngày trẻ, cô có yêu một người và đã quyết định tiến tới hôn nhân. Thật không may, sau hôm làm đám hỏi, chồng cô đi công tác và bị tai nạn qua đời. Kể từ ngày đó, cô quyết định sống một mình: “Cái chết của anh ấy khiến tôi rất đau khổ. Có người ác khẩu, họ nói tôi có số sát phu. Thời gian sau, nhiều người đến dạm hỏi, nhưng tôi đều từ chối vì sợ điều không may lại xảy ra một lần nữa. Ngoài ra, công việc ở lớp học tình thương cũng chiếm hết tình cảm của tôi rồi”.
Cô Thảo nhận hai học sinh làm con nuôi, ngoài ra tất cả học sinh đều được các cô giáo trong trường coi như con em mình. Cha mẹ của bọn trẻ đều rất nghèo, đa phần họ là dân ngoại tỉnh đến thành phố làm thợ nề, đi cắt cỏ, lượm rác, bán dạo, vá xe… Họ đem con của mình đến gửi nhà trường và nói với các cô: “Chúng tôi chẳng có một đồng xu nào cả đâu”.
Các em học sinh tại lớp học tình thương. |
Huyện Nhà Bè nay đã chia tách và vùng cô Thảo sinh sống đã lên quận, có trường tiểu học Tân Quy khang trang, nhưng vẫn còn nhiều người nghèo, chưa thể đưa con tới trường, họ vẫn đưa con tới trường Phước Thiện. “Số lượng các cháu quá đông, trong khi cơ sở vật chất của nhà trường còn eo hẹp. Chúng tôi đành lựa chọn những cháu thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất” – Một cô giáo của trường nói.
Bọn nhỏ thường để lại những dòng cảm xúc của mình khi rời trường Phước Thiện. Có đứa viết: “Qua lớp bốn, cô chủ nhiệm là cô Trang. Tuy cô hơi nghiêm khắc với học trò, nhưng nhờ có sự nghiêm khắc mà chúng em thi tốt; Lớp Năm cô Hoa dạy chúng em. Kỷ niệm nhớ nhất là hai ngày ở nhà cô để ôn thi vào lớp Sáu, chính tay cô đã nấu cơm cho chúng em ăn”.
Trường Phước Thiện chính là căn nhà cô Thảo được xây lên hai tầng vừa để lấy chỗ dạy các cháu vừa làm nơi bán cơm bụi, cho thuê phòng trọ. Dù không lớn, nhưng trường được sắp xếp rất khoa học, giúp các cô giáo dễ dàng theo dõi tình hình học tập của các cháu. “Các cháu vào đây không phải đóng tiền gì cả. Tiền đồng phục, tiền ăn, tiền chi trả cho giáo viên đều do nhà trường tự lo liệu”, cô Thảo cho biết.
Có lẽ thiệt thòi nhất tại Phước Thiện chính là các cô giáo. Họ dạy mỗi ngày hai buổi mà lương mỗi tháng chỉ được1,5 triệu đồng. Một số cô gia đình kinh tế ổn định nên dành thời gian làm việc thiện nguyện, nhưng cũng có giáo viên hoàn cảnh khó khăn, chồng đi làm phu hồ, nên nhà trường mỗi tháng hỗ trợ cho cô 10kg gạo chống đói. Quán cơm bình dân trước lớp học chính là nguồn thu của trường nhằm duy trì bữa cơm trưa nội trú cho các cháu. Ở đây, các em học sinh được đề xuất những món ăn mà mình thích. Bé Nguyễn Quốc Vũ đã viết: “Vào buổi trưa các cô cho chúng em ăn cơm, những hạt gạo trắng khi nấu nở ra những hạt cơm trắng thơm”.
Giáo viên thế hệ thứ hai
Lớp học tình thương đã tồn tại ngót 3 thập kỷ, vượt qua vô số những khó khăn. Có lúc thiếu bảng, thiếu bàn ghế, các cô giáo lại mỗi người có gì góp nấy. Trước kia trường cũng nhận được sự giúp đỡ của nhà chùa và những nhà hảo tâm trong vùng nhưng chủ yếu vẫn do cô Thảo và các cô giáo xoay sở. Số liệu của trường tình thương Phước Thiện cho thấy năm 2016-2017, chi phí mua đồng phục cho 67 học sinh là hơn 9 triệu đồng, tiền sách giáo khoa 11 triệu đồng, tiền cơm trưa 120 triệu đồng, tiền điện nước 20 triệu đồng, 31 phần khen thưởng 1,5 triệu đồng… tổng cộng hơn 283 triệu đồng. Như vậy, trong 27 năm qua, cô Thảo và trường Phước Thiện đã xoay xở một nguồn kinh phí không nhỏ để duy trì mái trường thân yêu của họ.
“Bao nhiêu tiền cho thuê nhà và bán cơm, tôi đều dành cho các cháu cả. Tôi thậm chí chẳng có thời gian nghỉ ngơi lấy một ngày. Trường thiếu tiền, nhưng ai cho thì nhận chứ tôi không đi xin. Cũng nhờ bạn bè hảo tâm lúc khó sẵn lòng giúp mình”, cô Thảo chia sẻ.
Cô giáo Đặng Thu Thảo. |
Niềm vui vả tự hào của cô Thảo là tất cả các em học trường Phước Thiện, khi thi chuyển cấp vào trường phổ thông của địa phương đều đạt và nhiều em có kết quả học tập rất tốt. Cô bảo: “Những cháu nào học lực yếu, chúng tôi sẵn sàng bàn với gia đình cho học lại thêm một năm nữa để kiến thức tốt hơn trước khi ra học ở trường ngoài. Dù tốn hơn, nhưng chúng tôi muốn các cháu có đủ kiến thức cần thiết”.
Nhiều học trò của cô 27 năm qua đã thành đạt nên người, vui nhất là cô Hoa, từ một học trò của trường nay đã trở thành giáo viên, tiếp tục sự nghiệp trồng người cho những đứa học trò nghèo như mình năm xưa. Cô Hoa bảo với phóng viên: “Em có dạy kèm tại nhà. Khi so sánh các học sinh bình thường với các học sinh lớp tình thương của chúng em, thấy các em trường bình thường hiếu học 4 thì học sinh của trường tình thương hiếu học 10. Đó chính là động lực để chúng em bám trụ ở trường tình thương nhiều năm qua”.
Trần Nguyễn Anh/tienphong