Văn hóa

Lư đồng-nét đẹp trong văn hóa thờ cúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi dịp Tết đến xuân về, hầu hết các gia đình đều lau dọn ban thờ và mua thêm các vật phẩm trang trí, trong đó, có nhiều hộ đã dành dụm mua sắm thêm bộ lư đồng truyền thống nhằm tạo sự trang nghiêm, ấm áp, đồng thời, thể hiện sự hiếu thảo đối với tổ tiên ông bà.

Lư đồng đã trở thành một trong những vật phẩm thờ cúng quan trọng trên ban thờ gia tiên của nhiều gia đình người dân Việt Nam nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên; đồng thời, đảm bảo các nghi lễ thờ cúng.

Bởi vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều gia đình đã đánh bóng lư đồng hoặc mua bộ lư đồng mới để trang trí lên ban thờ gia tiên nhằm mang lại không gian thờ cúng trang trọng, ấm cúng.

Ông Tin đã mua bộ lư đồng truyền thống trang trí lên ban thờ gia tiên. Ảnh: Nhật Hào

Ông Tin đã mua bộ lư đồng truyền thống trang trí lên ban thờ gia tiên. Ảnh: Nhật Hào

Cẩn thận lau lại bộ lư đồng đã gần 50 năm, ông Lê Văn Tin (thôn 6, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết, ông quê ở tỉnh Bình Định. Ở quê ông, việc có một bộ lư đồng để trang trí ban thờ gia tiên thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên. Do đó, dù giá mỗi bộ lư đồng khá cao nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng dành dụm để mua một bộ lư hương truyền thống trang trí lên bàn thờ gia tiên.

Năm 1965, khi rời quê hương lên Gia Lai lập nghiệp, trong hành trang của mình, ông không quên đem theo bộ lư đồng truyền thống. “Bộ lư đồng của gia đình tôi có 5 món, được gọi là ngũ sự, gồm: đỉnh đồng (lư hương), đài đựng nước, cặp đèn và 1 hộp trầu. Hàng năm, trước Tết Nguyên đán, tôi thường lau dọn ban thờ và đem lư đồng đến nhờ các cửa hàng bán đồ đồng đánh bóng để làm mới bộ lư đồng”-ông Tin cho hay.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Ba (tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cũng phấn khởi kể từ khi sở hữu bộ lư đồng “tam sự” gồm: lư xông trầm, cặp đèn. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ông Ba cũng mang bộ lư đồng đến cửa hàng kinh doanh đồ đồng trên đường Trần Phú để đánh bóng nhằm làm mới.

Ông Ba cho biết, trước đây, bố mẹ ông cũng có một bộ lư đồng để trang trí ban thờ. Khi còn nhỏ, ông thường được nghe bố mẹ kể về ý nghĩa của các bộ lư đồng. Vì thế, sau khi lập gia đình, ông cũng cố gắng dành dụm để mua một bộ lư đồng đặt lên ban thờ gia tiên.

“Ngoài ý nghĩa thể hiện sự hiếu thảo đối với tổ tiên, việc có một bộ lư đồng để trang trí trên ban thờ gia tiên cũng góp phần làm cho không gian ban thờ thêm ấm cúng và trang trọng bởi mỗi món đồ trong bộ lư đồng đều được gia công rất tinh xảo.

Đặc biệt, trong đó, đỉnh đồng dùng để đốt trầm sẽ góp phần thanh lọc không khí, mang lại sự linh thiêng, ấm áp với hy vọng đem lại may mắn cho con cháu. Tuy nhiên, do giá cao nên trước mắt tôi chỉ mua bộ tam sự và sau này sẽ mua bổ sung thêm các món khác để ban thờ thêm trang nghiêm hơn”-ông Ba cho hay.

Theo ông Truyền, nếu đầy đủ nhất, bộ lư đồng sẽ có 13 món nhưng nhiều gia đình chọn mua 3-5 món tùy theo điều kiện kinh tế. Ảnh: Nhật Hào

Theo ông Truyền, nếu đầy đủ nhất, bộ lư đồng sẽ có 13 món nhưng nhiều gia đình chọn mua 3-5 món tùy theo điều kiện kinh tế. Ảnh: Nhật Hào

Cũng vì hiểu được ý nghĩa của những bộ lư đồng trang trí trên ban thờ gia tiên, năm 1980, khi rời quê hương Bình Định lên Pleiku lập nghiệp, ông Nguyễn Thanh Truyền-chủ cửa hàng Đồng Phát (112 Trần Phú, TP. Pleiku) đã mang theo bộ lư đồng truyền thống để thờ gia tiên. Đồng thời, ông mở luôn cửa hàng kinh doanh lư đồng để góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống này.

Ông Truyền cho biết, bộ lư đồng đầy đủ nhất sẽ có 13 món gồm: đỉnh lư, bát hương, cặp đèn tạ, song cầm (bình đốt nhang), lục bình (bình bông), hũ đựng nhang, cặp đài nước, đĩa bồng (đĩa trái cây), cặp hạc, và đèn lồng (thay bóng thắp sáng). Tuy nhiên, vì giá thành cao nên nhiều người lựa chọn mua bộ tam sự (3 món), ngũ sự (5 món), thất sự (7 món)… là chính.

Cũng theo ông Truyền, trước đây, ông chỉ bán lư đồng truyền thống. Những năm gần đây, thấy khách hàng ưa chuộng lư đồng công nghiệp nên ông nhập thêm về bán. Theo đó, các lư đồng truyền thống làm thủ công đơn giản hơn về mẫu mã nhưng ưu điểm là rẻ; còn lư đồng công nghiệp có mẫu mã đẹp hơn và chất lượng tốt hơn, hàng năm không phải đánh bóng thì giá cả cao hơn tùy theo kích thước và số lượng món. Tuy nhiên, do giá cao và lư đồng chỉ cần mua một lần là sử dụng lâu dài qua nhiều đời nên mặt hàng này bán chậm, chủ yếu bán trong tháng Chạp hàng năm.

Bên cạnh gìn giữ bộ lư đồng truyền thống, ông Truyền còn mở thêm cửa hàng bán lư đồng để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa thờ cúng này. Ảnh: Nhật Hào

Bên cạnh gìn giữ bộ lư đồng truyền thống, ông Truyền còn mở thêm cửa hàng bán lư đồng để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa thờ cúng này. Ảnh: Nhật Hào

“Từ đầu tháng Chạp đến nay, mỗi ngày cửa hàng của tôi cũng có khoảng 2-6 hộ đến mua và đánh bóng lư đồng. Khách hàng mua lư đồng chủ yếu với giá 4-15 triệu đồng/bộ tùy theo kích cỡ và số món. Ngoài ra, cũng có một vài trường hợp mua bộ lư đồng trị giá hàng trăm triệu đồng. Hầu hết họ đều thể hiện sự phấn khởi khi “sở hữu” một bộ lư đồng để đặt trên ban thờ gia tiên khi Tết đến xuân về”-ông Truyền chia sẻ.

Có thể nói, với ý nghĩa mang lại không gian thờ cúng trang trọng, linh thiêng; đồng thời, để thể hiện lòng thành kính của con cháu với nguồn cội và cầu mong gia tiên phù hộ độ trì sự may mắn, bình an trong cuộc sống, việc sử dụng lư đồng trong trang trí ban thờ gia tiên ngày Tết là một nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ.

Có thể bạn quan tâm