Thời sự - Bình luận

Lựa chọn hoạt động ngoại khóa mùa hè phù hợp với trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một số khóa học đang diễn ra hiện nay cho thấy các bậc cha mẹ cần có sự cân nhắc lựa chọn hình thức sinh hoạt hè phù hợp với trẻ để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Với mong muốn tạo điều kiện cho mùa hè của trẻ trở nên bổ ích, ý nghĩa, nhiều năm qua nhiều bậc cha mẹ đã đăng ký cho con mình tham gia các câu lạc bộ thể thao, lớp bồi dưỡng kỹ năng sống, trại hè, khóa tu mùa hè... Tuy nhiên thực tế tại một số khóa học đang diễn ra hiện nay cho thấy các bậc cha mẹ cần có sự cân nhắc lựa chọn hình thức sinh hoạt hè phù hợp với trẻ để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Học sinh tham gia tại trại hè Học kỳ quân đội. (Ảnh Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)

Học sinh tham gia tại trại hè Học kỳ quân đội. (Ảnh Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)

Những năm gần đây, các chương trình ngoại khóa mùa hè dành cho trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng cho thấy sự quan tâm rất lớn của xã hội đối với nhu cầu vui chơi, phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh những loại hình quen thuộc như trại hè, câu lạc bộ thể thao, lớp bồi dưỡng kỹ năng sống, các lớp học năng khiếu... thì thời gian gần đây hình thức sinh hoạt ngoại khóa mùa hè tại chùa (còn gọi là khóa tu mùa hè) đang thu hút sự quan tâm của không ít bậc cha mẹ.

Theo các chuyên gia, việc trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp các em rèn luyện sức khỏe, phát triển thể lực, tăng cường khả năng thích nghi, đồng thời góp phần giải tỏa những căng thẳng, áp lực từ việc học hành. Những trải nghiệm từ các hoạt động ngoại khóa giúp các em khám phá bản thân, phát triển toàn diện, thể hiện được năng lực, sở trường cá nhân, khiến các em tự tin và có thêm động lực để sẵn sàng bước vào năm học mới. Mặt khác, các hoạt động ngoại khóa cũng khuyến khích các em tăng cường sự gắn kết với bạn bè, xây dựng tinh thần đồng đội cũng như phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, mở rộng kiến thức xã hội, không bị sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh.

Thực tế cho thấy, trải qua một mùa hè sôi động với các hoạt động ngoại khóa đa dạng, bổ ích nên nhiều em đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, biết trân trọng công ơn cha mẹ, thầy cô, sống tự giác, có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Để có được kết quả này đòi hỏi các bậc cha mẹ phải lựa chọn những loại hình sinh hoạt hè phù hợp với con mình. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng bởi lẽ trước nhu cầu ngày càng gia tăng trong việc tìm kiếm các chương trình ngoại khóa mùa hè cho trẻ khiến thị trường trong lĩnh vực này có phần tăng trưởng nóng, chất lượng khó kiểm soát, tình trạng vàng thau lẫn lộn không dễ phân biệt đẩy nhiều bậc cha mẹ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Quan sát thực tiễn, việc trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa hè hiện nay chủ yếu xuất phát từ mong muốn của cha mẹ chứ chưa thật sự là nhu cầu, quan tâm, hào hứng từ chính các em. Do bị cha mẹ ép buộc tham gia trại hè, câu lạc bộ hè,... nên vẫn có tình trạng tâm lý của nhiều trẻ không thoải mái, thậm chí có thái độ bất hợp tác, chống đối. Cụ thể khi tham gia khóa học, các em luôn tìm cớ gây sự với bạn bè, người hướng dẫn, không tuân thủ quy định, trở nên khó bảo. Do vậy việc tham gia hoạt động ngoại khóa mùa hè không những không mang lại kết quả tốt đẹp mà còn làm phiền lòng bố mẹ, gây ức chế tâm lý cho trẻ. Cá biệt có những em gặp những bất ổn về sức khỏe tâm thần sau khi tham gia trại hè, phải chữa trị khá lâu mới khỏi.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa mùa hè ở một số nơi vẫn còn tồn tại không ít bất cập từ chương trình giảng dạy, nội dung hoạt động, cho đến những điều kiện về cơ sở vật chất không bảo đảm.

Nổi lên thời gian gần đây, các khóa tu mùa hè được nhiều người quan tâm. Ðây là một trong những hoạt động do các nhà chùa chủ động tổ chức tùy theo khả năng, điều kiện của mình. Mục tiêu của các khóa tu là nhằm tạo cho khóa sinh tham gia có cơ hội được học hỏi về các giáo pháp và đạo lý, tu dưỡng tâm hồn, rèn luyện trí tuệ và trải nghiệm nếp sống thiền môn, không bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ.

Tuy nhiên dù là hình thức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa tại chùa song các em tham gia trải nghiệm không chỉ đơn thuần là chỉ ngồi nghe giảng, học giáo lý mà còn cần có môi trường thực hành giúp rèn luyện kỹ năng sống, được vui chơi giải trí lành mạnh, cũng như những điều kiện để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe. Việc chăm sóc, dạy dỗ, điều hành, hướng dẫn cùng một lúc đối với hàng trăm trẻ em đòi hỏi công tác tổ chức tại các chùa phải hết sức bài bản chuyên nghiệp, nhưng không phải nơi nào cũng đủ năng lực để triển khai.

Nội dung giảng dạy trong các khóa tu là điều khiến nhiều bậc cha mẹ băn khoăn.

Tại một số cơ sở nơi ăn nghỉ chật chội, vệ sinh không bảo đảm, nhân lực điều hành các hoạt động, chăm sóc và giám sát trẻ thiếu thốn khiến các hoạt động diễn ra ở một số khóa tu có tính chất chắp vá, thiếu bài bản, kém hiệu quả, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy trong các khóa tu là điều khiến nhiều bậc cha mẹ băn khoăn. Theo dõi một số bài giảng nằm trong chương trình của một khóa tu được lan tỏa trên mạng, chính những người lớn cũng cảm thấy nặng nề với nội dung giảng pháp có phần hơi nặng về "chuyên môn". Cần lưu ý rằng đối tượng ngồi nghe các buổi giảng pháp này là những khóa sinh tuổi từ 9-15, lứa tuổi vô tư, hồn nhiên, hiếu động, nhận thức có phần còn chưa đầy đủ. Do đó không thể không lo lắng vì nếu nội dung bài thuyết giảng nếu không phù hợp với tâm lý lứa tuổi rất có thể sẽ khiến các em khó tập trung khiến việc học, nghe giảng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Chưa kể, theo PGS, TS Trần Thành Nam (Trường đại học Giáo dục, Ðại học Quốc gia Hà Nội) tình trạng nở rộ các trại hè theo kiểu khóa tu, học lối sống, kỹ năng sinh tồn mà không có hoặc thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn thì rất dễ nguy cơ không những không góp phần giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh mà còn gây hại, gây mất an toàn cho các em cả về thể chất và tư tưởng.

Ông phân tích: "Chúng ta không nhận thức được sự khác biệt giữa hoạt động vui chơi bình thường và hoạt động giáo dục hình thành kỹ năng phẩm chất thông qua hoạt động vui chơi. Cho trẻ đến một khu trải nghiệm và chơi tự do sẽ chẳng bao giờ giúp trẻ hình thành kỹ năng. Yêu cầu trẻ dậy sớm, tự gấp chăn màn, đi nhặt rác trong một vài ngày trải nghiệm không thể giúp trẻ hình thành phẩm chất thói quen tự giác mà chỉ là hành vi tự phát do bị bắt buộc".

Từ thực tế này cho thấy việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa mùa hè là cần thiết nhưng cần phải lựa chọn đúng loại hình phù hợp đối với mỗi trẻ, tuyệt đối không thể chạy theo trào lưu, đám đông để rồi hậu quả mà trẻ phải gánh chịu là rất khó lường. Theo đó trước khi cân nhắc loại hình sinh hoạt phù hợp với con em mình, cha mẹ cần quan tâm, tìm hiểu kỹ chương trình, tham khảo ý kiến những người từng tham gia, thậm chí có thể trực tiếp đến tận nơi để đánh giá, đồng thời trao đổi thảo luận với trẻ, trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định cho con tham gia hay không.

Cũng cần nhấn mạnh rằng dù với những loại hình khác nhau, từ các câu lạc bộ, trại hè hay khóa tu thì cũng chỉ mang đến những trải nghiệm ngắn hạn cho trẻ em chứ không phải là cây đũa thần để ngay lập tức biến các em thành những hình mẫu mà cha mẹ kỳ vọng. Nếu muốn trẻ hình thành những kỹ năng, thói quen sống ngăn nắp, nền nếp, hình thành sự tự lập thì cha mẹ cũng như thầy, cô giáo phải thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành. Bên cạnh vai trò quan trọng của gia đình và nhà trường, trẻ em cũng rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của cả cộng đồng trong việc xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh, giúp trẻ có cơ hội vui chơi, giải trí, góp phần phát triển toàn diện cả về trí lực và thể chất.

Trước thực trạng các hoạt động ngoại khóa mùa hè đang nở rộ trên cả nước dưới nhiều hình thức, thiết nghĩ cơ quan chức năng cũng như chính quyền cần có cơ chế kiểm soát phù hợp. Bởi lẽ hoạt động sinh hoạt hè dù do một tổ chức, cá nhân, hoặc nhà chùa đứng ra tổ chức nhưng với bản chất là những hoạt động mang tính chất giáo dục, thu hút đông trẻ em tham gia thì cần phải được quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả, sự an toàn cho trẻ, đó cũng là nhằm bảo vệ quyền của các em. Cụ thể cơ quan chức năng chỉ nên cho phép tổ chức các hoạt động ngoại khóa đối với đơn vị đủ điều kiện, tránh việc phát triển tự phát, trong khi chưa đủ năng lực thực tế.

Đồng thời cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền đối với chương trình giảng dạy, hoạt động trải nghiệm, cũng như công tác giữ vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phương án bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ... Việc tăng cường quản lý, giám sát của cơ quan chức năng sẽ giúp ngăn chặn được những tiêu cực trong quá trình triển khai các hoạt động ngoại khóa hè, cũng như ngăn chặn được vấn nạn lừa đảo qua mạng giả danh các trại hè, khóa tu, lớp dạy kỹ năng sống đang có dấu hiệu bùng phát. Một mùa hè ý nghĩa sẽ trở thành kỷ niệm đẹp và ký ức khó quên trong hành trang của nhiều bạn nhỏ khi bước vào đời. Bởi vậy ngay từ bây giờ, các bậc cha mẹ hãy cùng con tạo dựng nên những ngày tháng vui tươi, bổ ích, một sân chơi thiết thực trong dịp hè từ sự lựa chọn tỉnh táo, sáng suốt của mình.

Có thể bạn quan tâm