Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1: Băn khoăn đứng giữa... các nhà xuất bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2020-2021, cả nước sẽ thực hiện đổi mới sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông. Việc lựa chọn SGK sao cho phù hợp, khách quan đang được các trường và phụ huynh rất quan tâm, nhất là phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào lớp 1.
Tại hội thảo giới thiệu SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, 5 bộ SGK lớp 1 đã ra mắt các đại biểu ở 17 huyện, thị xã, thành phố. Đó là 4 bộ sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Chân trời sáng tạo) và 1 bộ sách Cánh diều của Nhà Xuất bản Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Lê Bách-Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam-thông tin: “Mỗi bộ sách mang một thông điệp, bản sắc riêng và cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Đồng thời, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức triển khai sách điện tử, video clip các bài giảng mẫu, hệ thống dữ liệu điện tử để hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Bên cạnh việc tổ chức biên soạn các bộ SGK, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới”.
5 bộ SGK theo chương trình đổi mới được giới thiệu đến các đại biểu. Ảnh: N.T
Sau khi được giới thiệu 5 bộ SGK, đại diện các trường đã tập trung nghiên cứu, thành lập hội đồng lựa chọn SGK phù hợp để triển khai vào thực tế dạy và học. Tuy nhiên, để lựa chọn bộ SGK phù hợp với tình hình địa phương, năng lực học sinh, cách tiếp cận sách… là điều mà nhiều đơn vị còn băn khoăn.
Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vẫn chưa tiếp cận đồng bộ các bộ SGK mới. Điều này gây khó cho giáo viên bởi việc lựa chọn SGK cần phải có thời gian nghiên cứu. Ông Đặng Văn Tuyền-chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê-cho hay: “Trên địa bàn huyện có 15 trường tiểu học, 4 trường tiểu học và THCS. Chúng tôi đã nhận được các bộ SGK của 2 nhà xuất bản. Các trường học đang luân phiên tham khảo sách nên các thầy cô chưa xem được trọn vẹn nội dung. Chúng tôi cũng gửi văn bản các đường dẫn SGK điện tử để giáo viên tham khảo nhưng chỉ phù hợp với một số trường học có trang-thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định phù hợp với điều kiện của từng đơn vị thì phải phụ thuộc vào hội đồng thẩm định theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Hiện chúng tôi đang chờ sự hướng dẫn của Sở GD-ĐT để việc chọn lựa đầu sách đảm bảo hợp lý, đúng quy định”.  
Tương tự, cô giáo Hoàng Thị Thoa (Trường Tiểu học xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cho rằng: “Cả giáo viên và học sinh đều chưa có SGK mới để tham khảo nên rất khó đưa ra nhận định, lựa chọn phù hợp. Đối với SGK điện tử càng khó tiếp cận hơn vì ở các điểm trường làng, phụ huynh và học sinh không có điều kiện để vào mạng internet tham khảo. Vì vậy, những bộ SGK mới phải được đưa đến tận tay giáo viên, học sinh, thậm chí dạy thử nghiệm thì mới phát hiện được những ưu, nhược điểm của sách”.
Giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) tiến hành tham khảo, nghiên cứu các bộ SGK mới. Ảnh: N.T
Để đảm bảo lựa chọn SGK đạt yêu cầu, đúng quy định, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi đề nghị: Các cơ sở Giáo dục tiến hành lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT mới ban hành đảm bảo đầy đủ các thành phần theo quy định. Hội đồng lựa chọn SGK phải cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của đơn vị, tình hình thực tế của địa phương mình. Trong quá trình lựa chọn cần lưu ý đến hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh và phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan.
Về phía phụ huynh, chị Huỳnh Thị Minh Thư (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) cũng bày tỏ băn khoăn: “Với những bộ SGK mới, tôi thấy môn Tiếng Việt có nhiều điều còn vướng mắc, như cách phát âm sẽ gây khó khăn cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, bộ sách có yêu cầu sử dụng thiết bị điện tử trong khi cơ sở vật chất các trường có hạn nên rất khó cho việc triển khai nội dung bài học”. Còn chị Bùi Thị Mỹ Linh (18 Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) thì nêu quan điểm: “Là phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 1, tôi rất quan tâm đến việc đổi mới SGK chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng đến thời điểm này, tôi chưa được tiếp cận với các bộ SGK mới nên chưa thể biết được chương trình con mình học sẽ như thế nào. Chỉ mong nhà trường hãy chọn bộ sách có lượng kiến thức đã được giảm tải, nội dung giáo dục phù hợp, cảm quan sinh động, giúp việc tiếp thu bài học của trẻ nhẹ nhàng hơn”.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm