Vì sao nạn nhân dễ mắc bẫy lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng? (ảnh minh họa) |
Một số ý kiến tại một hội nghị về "Nhận diện phương thức, thủ đoạn và giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chuyển tiền qua hệ thống NH" do Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp Chi nhánh NH Nhà nước tỉnh này tổ chức đã phần nào lý giải vấn đề.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, mặc dù đây không phải là loại tội phạm mới, nhưng các thủ đoạn và phương thức của chúng ngày càng tinh vi và phức tạp, khiến cơ quan an ninh mạng phải "mướt mồ hôi" để theo kịp.
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, chia sẻ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hệ thống NH và công nghệ cao đang trở nên phổ biến với hàng chục phương thức khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát và các cơ quan nhà nước để dọa nạt người dân, hoặc hack tài khoản mạng xã hội để lừa tiền. Đặc biệt, tội phạm này thường sử dụng các tài khoản NH để ép người bị lừa chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Hà (Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an) nhấn mạnh tội phạm lừa đảo không chừa bất kỳ ai, thậm chí cả những cán bộ hưu trí có con làm công an. Các nhóm tội phạm này thường hoạt động từ nước ngoài, có tổ chức chặt chẽ và luôn nghĩ ra những kịch bản lừa đảo mới, khiến công tác điều tra và thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn.
Nhưng có một điều mà người viết rút ra được thông qua nhiều ý kiến của chuyên gia rằng, vai trò của các NH trong việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo là rất quan trọng. Bằng chứng là nhân viên NH đã nhiều lần phát hiện và chặn đứng các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ, giúp nhiều khách hàng cả tin không chuyển hàng chục tỉ đồng cho tội phạm lừa đảo.
Kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản chuyển tiền qua hệ thống NH có tinh vi đến mấy, nhưng những nỗ lực từ NH, cùng với động thái quyết liệt từ cả phía cơ quan chức năng sẽ góp không nhỏ trong việc phòng chống tội phạm lừa đảo. Tất nhiên, sự cảnh giác từ người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất.