Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
* Bạn đọc H.V.Q. (huyện Đức Cơ) hỏi:Từ năm 2021 đến nay, tôi làm thuê cho ông N.V.T. Giữa hai bên chỉ thỏa thuận miệng với nhau, không ký hợp đồng bằng văn bản. Mỗi tháng, ông T. trả tiền lương cho tôi 6 triệu đồng. Nhưng ông T. tháng trả, tháng không. Đến nay, ông T. đã nợ tôi 6 tháng lương. Vậy tôi phải làm gì để yêu cầu ông T. trả tiền nợ lương cho tôi?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Lao động 2019 thì người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 quy định hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình như sau:

“1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở”.

Như vậy, tranh chấp giữa ông và ông T. là tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự nên tranh chấp này không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019:

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại”.

Do đó, ông có quyền khởi kiện ông T. đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu ông T. phải trả số tiền lương còn nợ ông và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm