Sau đó, tôi phát hiện mình đã mang thai và sinh một cháu trai tạm đặt tên là H.V.Đ. vào ngày 2-10-2023. Vậy theo quy định của pháp luật thì cháu Đ. có được xem là con chung của tôi và anh B. hay không?
- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:
Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.
Căn cứ quy định trên, trong trường hợp này, con bạn được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (không quá 300 ngày tính từ ngày bản án ly hôn của Tòa án có hiệu lực) nên được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân và là con chung của vợ chồng.
Trường hợp anh B. không thừa nhận cháu Đ. là con của mình thì bạn có thể làm thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết xác định anh B. là cha của cháu Đ. theo quy định tại khoản 4, Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ”.
Khi khởi kiện, bạn phải làm đơn khởi kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13-1-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); kèm theo bản sao căn cước công dân của bạn, bản sao quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, bản photo giấy chứng sinh của cháu Đ.
Bạn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của bộ luật này”.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bạn cần yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định ADN để xác định anh B. và cháu Đ. có quan hệ huyết thống để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết yêu cầu khởi kiện của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng có quyền yêu cầu bổ sung về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung trong trường hợp cháu Đ. là con chung của bạn và anh B.