Thời sự - Bình luận

Lực đẩy từ quyết sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến hết quý 2-2024, dù tình hình địa - chính trị toàn cầu đầy bất ổn thì trong đà phục hồi mạnh mẽ của Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam tiếp tục là hai nền kinh tế có hiệu suất cao nhất trong khu vực, tăng trưởng lần lượt là 6,3% và 6,9%, trong khi Malaysia đứng thứ ba, tăng trưởng 5,9%.

Điều đặc biệt là các động lực tăng trưởng của các quốc gia trên có cùng 1 điểm chung là kết hợp giữa tiêu dùng mạnh mẽ, mở rộng sản lượng và xuất khẩu cao hơn. TPHCM là đại diện rõ nét nhất khi duy trì lực tăng trưởng khá tốt qua 9 tháng ở cả 2 trụ cột tiêu dùng và xuất khẩu.

Trên bình diện chung, ở cấp độ quốc gia cũng có sự tương thích khi tiếp tục đà tăng trưởng tích cực ở tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu với các ngành chính như điện thoại thông minh, điện tử và dệt may. Khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể trong quý này, củng cố thêm vị thế của Việt Nam là điểm đến đầu tư đáng tin cậy.

Sự tương thích cũng hiển hiện ở cả trụ cột “bất khả thi” tính đến thời điểm này là giải ngân vốn đầu tư công. Và điều này, một lần nữa được đặt lên bàn làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong chuyến công tác của đoàn công tác Đảng đoàn Quốc hội (do đồng chí Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn) tại TPHCM vào ngày 5-10 thông qua việc mổ xẻ về cơ chế phối hợp bộ ngành với địa phương - cụ thể trên Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

“Các bộ phải vào TPHCM chứ không để TPHCM đi ra các bộ… Trên phương châm “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó” cho thành phố để gỡ về cơ chế, chính sách để kinh tế-xã hội là phát triển, tháo gỡ theo cách làm mới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Rõ ràng, cách làm mới mà Chủ tịch Quốc hội đề cập cũng đã được thí điểm và mang lại hiệu quả lớn trong việc triển khai Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.

Khi cơ chế hợp vốn giữa Trung ương và địa phương và rút ngắn các thủ tục trong việc triển khai các dự án lớn được áp dụng thì từ giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu đến thi công đã thông suốt hoàn toàn. Trong đó, có cơ chế chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần khoảng 4 tháng.

Với hiệu quả từ thực tế, không chỉ Nghị quyết 57 mà cả Nghị quyết 98 hay Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đều cho thấy, từ các dự án, công trình cụ thể có thể xem xét áp dụng cho các dự án khác hay luật hóa để từ đó đồng bộ hóa pháp lý cũng như tăng tính phổ quát của hệ thống pháp luật nhằm tăng tốc mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Mà trước mắt lẫn lâu dài, TPHCM đang và sẽ rất cần nguồn lực cả vốn lẫn cơ chế pháp lý để tập trung cho các dự án trọng điểm, như dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, một số dự án thuộc hạ tầng số, năng lượng xanh...

Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, cần kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.

Hoặc Quốc hội cần xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc đề xuất việc cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3 km đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (đi trùng với đường Vành đai 3 TPHCM) để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đưa vào khai thác năm 2026.

Với 3 dự án trọng điểm là dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM, Đường sắt đô thị và Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, rất cần sự ủng hộ bằng các cơ chế, chính sách đặc thù và nhất là chất lượng phối hợp với bộ ngành, địa phương, có thể giao cho thành phố chủ trì để đảm bảo tiến độ dự án.

Trong đó, kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho TPHCM (khoảng 25,6% trong giai đoạn đến năm 2035), còn lại sử dụng ngân sách thành phố. Cùng với đó, đề xuất Quốc hội thông qua đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho Hà Nội, TPHCM để triển khai đề án chứ không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho từng dự án cụ thể.

10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công trung tâm tài chính, nếu được chấp thuận sẽ tạo sức bật lớn.

Đồng thời, sớm tiến tới chủ trương xây dựng Luật Đô thị đặc biệt (trong đó có quy định đô thị đặc biệt cho thành phố) để tạo điều kiện phát triển bền vững và tạo ra những động lực mới cho kinh tế - xã hội TPHCM bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.

Theo NGUYỄN QUÂN CÁT (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm