Thời sự - Sự kiện

Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Kiểm lâm (21/5/1973-21/5/2023)

Lực lượng Kiểm lâm Gia Lai vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong suốt 47 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Gia Lai không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để từng bước đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Ngày 21-5-1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân Việt Nam ở miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, lực lượng Kiểm lâm được hình thành trên phạm vi cả nước. Từ đó, ngày 21-5 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Kiểm lâm Việt Nam.

Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương giám sát rừng trồng tại huyện Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Hữu Huân

Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương giám sát rừng trồng tại huyện Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Hữu Huân

Dấu ấn những chặng đường

Ngày 15-10-1976, Bộ Lâm nghiệp có Quyết định số 518/QĐ-BLN về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đây là dấu mốc hình thành lực lượng Kiểm lâm Gia Lai trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.

Xuyên suốt 47 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm tỉnh không ngừng phát triển và nâng cao trình độ về mọi mặt. Những ngày mới thành lập, cán bộ lãnh đạo chủ chốt hầu hết được điều động hoặc biệt phái từ miền Bắc vào. Thời điểm đó, trình độ chuyên môn của cán bộ chủ yếu là trung cấp; số công chức tuyển dụng trong miền Nam chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hầu hết vừa học vừa làm qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Nhiệm vụ đơn thuần là tuần tra bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản.

Những năm qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh từng bước được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và chất lượng đầu vào đảm bảo các tiêu chí. Minh chứng là sau khi tách tỉnh năm 1991, biên chế Kiểm lâm tỉnh chỉ có 234 người, trình độ chuyên môn phần lớn là trung cấp. Nhưng đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có 339 công chức và 25 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Về trình độ chuyên môn, có 14 thạc sĩ, 253 đại học, 1 cao đẳng, 74 trung cấp. Đặc biệt, trong số 364 cán bộ, công chức đã có 247 người vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năng lực chuyên môn của công chức, nhất là lãnh đạo và các bộ phận tham mưu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Dấu ấn của lực lượng Kiểm lâm tỉnh từ năm 2000 đến nay là Chi cục đã tham mưu và trực tiếp thực hiện một số nghị quyết, chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng như: Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn sông Ba; Đề án hỗ trợ người dân canh tác nông nghiệp bền vững trên đất nương rẫy; Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm Gia Lai; Dự án nâng cao năng lực hoạt động của kiểm lâm địa bàn; kiểm kê rừng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Đặc biệt, Chi cục chủ động phối hợp tham mưu thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch trọng tâm như: Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; Nghị quyết số 06/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát triển cây dược liệu; Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn điều tra, khảo sát, xây dựng phương án đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh vào tháng 3-1999, nay là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được công nhận Vườn di sản ASEAN năm 2003; thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng năm 2004; tham mưu lập hồ sơ đề xuất công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Sau khi được UNESCO công nhận, Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, đảm bảo chất lượng bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo vệ các loài động-thực vật quý hiếm, đặc hữu.

Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra giám sát rừng tại huyện Ia Grai. Ảnh: N.H.H

Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra giám sát rừng tại huyện Ia Grai. Ảnh: N.H.H

Hướng đến tương lai xanh

Kết quả đạt được của lực lượng Kiểm lâm tỉnh trong chặng đường 47 năm qua là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương, lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành liên quan cùng sự chung sức của người dân các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức Kiểm lâm đã nêu cao tinh thần vượt khó, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để từng bước đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Dù vậy, những năm qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, diện tích rừng ít nhiều có biến động. Song, đến thời điểm này, Gia Lai vẫn giữ được độ che phủ và diện tích rừng lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Xuyên suốt quá trình làm nhiệm vụ đã có không ít cán bộ, công chức phải đổ máu, hy sinh do sự chống trả quyết liệt của lâm tặc như liệt sĩ Huỳnh Kim Long-nguyên Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê; thương binh hạng 4/4 Trần Đức Đại-nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang; thương binh hạng 2/4 Hoàng Hữu Hoàn-công chức Hạt Kiểm lâm huyện Kbang.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát động trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: N.H.H

Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát động trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: N.H.H

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 22 đơn vị trực thuộc gồm: 16 hạt Kiểm lâm, 3 đội cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, 3 chốt chặn kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Ngoài ra còn có 2 đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập để ngăn chặn tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, mua bán gỗ và lâm sản, động vật rừng trái phép.

Giai đoạn 2017-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí hỗ trợ trồng rừng từ trung ương, song bằng nhiều nguồn lực địa phương, người dân và các doanh nghiệp đã trồng được 39.176,24 ha rừng. Bên cạnh đó, để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên trong điều kiện còn nhiều áp lực, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên mở các đợt truy quét, củng cố mạng lưới tuần tra, kiểm soát lâm sản. Từ năm 2017 đến 2022, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 3.270 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Việc thực thi pháp luật nghiêm minh đã góp phần kéo giảm tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Nếu như năm 2016 có đến 992 vụ vi phạm thì đến cuối năm 2022, con số này giảm xuống còn 329 vụ.

Nhìn lại 47 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua đó, nhiều tập thể, cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ quan chức năng, địa phương và người dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về phía đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, sở, ngành liên quan cùng các địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết của Trung ương và tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh; xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng tỉnh Gia Lai; chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đảm bảo đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên một cách tốt nhất để hướng đến tương lai xanh.

Có thể bạn quan tâm