Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lưng còng đổ bóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 "Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng

Lưng còng đổ bóng xuống sân ga".



Những câu này thi sĩ Nguyễn Bính viết về hình ảnh bà mẹ tiễn con ra trận (đi trấn ải xa) trong bài "Những bóng người trên sân ga".

Tôi không hề ra trận mà năm ấy chỉ đến nơi xa lập nghiệp. Từ Đà Nẵng chuyển vào làm việc và sinh sống ở TP HCM, tôi không đi một mình mà mang theo cả gia đình nhỏ của mình. Và đó là điều làm đứt ruột cha tôi.

Ông nhớ hai đứa cháu nội lên 11 và lên 6 tuổi.

Cội tình nồng ấm trong lòng ông từ đó đành phải dứt lìa.

Lưng cha tôi lúc ấy chưa còng. Trước mặt vợ con và nhiều người ra tiễn, ông vẫn đi với dáng thẳng khoan thai vốn có, cố giữ vẻ bình thản khi đưa con cháu ra sân ga. Như chiếc ghe chòng chành trong sóng dữ, ông cố níu chính mình giữa trùng trùng đau xót.

Nhưng không được nữa rồi! Chiếc ghe đứt dây neo, cha tôi chông chênh đổ quỵ.

Phút chốc, ông không ghì giữ được bóng hình lịch lãm của người đàn ông cứng cỏi. Chẳng nói chẳng rằng, cha tôi lao ra đường ray, đứng trước mũi đoàn tàu sắp chuyển bánh. Ông muốn chặn con vật quái ác sắp lạnh lùng mang đi về xứ xa các núm ruột thương yêu của mình. Các em tôi phải vây lấy cha, dìu ông ra khỏi đường tàu, nước mắt lưng tròng.

Tàu kéo còi, tôi ngó lơ về hướng khác qua khung cửa, cố giấu đôi mắt đỏ và tuồng như ngồi bất động trong khoang suốt đêm giữa ánh mắt ngây thơ vô tư của hai đứa trẻ.

Tôi biết khuya ấy cha về đổ quỵ vì khổ đau.

Bóng ông đổ xuống sân ga không chỉ riêng chiều ấy mà đổ xuống cả những ngày hiu hắt còn lại ít ỏi của tuổi già thương con nhớ cháu. Không chỉ là chiếc bóng mà cả một phận người đã đổ xuống trong nỗi buồn thương, đổ xuống trong nỗi tuyệt vọng của người ông không biết phải làm sao để giữ lại bên mình hai đứa cháu - chiếc neo thuyền giúp trái tim già yếu mong manh kia thôi chông chênh loạn nhịp.


 

Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG
Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG



Em tôi kể rằng từ đó, chiều nào cha cũng đạp xe đến công viên nhỏ cạnh xóm phố cũ của gia đình tôi, dựng chiếc xe cọc cạch ở một góc vắng rồi tha thẩn đi lui đi tới, mắt dán vào dáng chạy của từng đứa trẻ đang ồn ã ríu rít sau giờ tan học. Bước ngược rồi bước xuôi, ông tìm hai đứa cháu của mình, tìm lại dáng chạy lúp xúp và tiếng cười nói nũng nịu của chúng cùng dáng ông thong thả rảo bước theo sau. Cha chưa thể dứt được thói quen những chiều xong việc may vá, hăm hở dắt xe ra khỏi nhà lúc trời vừa dịu nắng rồi hướng về góc công viên kia để vui cùng tiếng nói cười ruột rà nũng nịu.

Mà làm sao cha tìm thấy chúng cho được! Hai đứa trẻ ấy, hai núm ruột của mình, chừ ở cách xa ông cả ngàn cây số.

Theo quán tính và tiếng gọi của lòng nhớ thương, ông đến nơi hai đứa cháu chơi đùa mỗi chiều, dáo dác kiếm tìm trong từng dáng chạy và rồi thất thểu trở về với gương mặt xa xăm như kẻ mất hồn.

Biết vậy mà chiều này qua chiều khác, ông lại vẫn chờ cho xong việc để gập chiếc đầu máy may lại, chụp vội chiếc mũ nỉ lên đầu và dắt xe ra khỏi nhà. Mẹ và các em tôi, không ai ngăn được ông dù tất cả đều áy náy xót xa lúc nhìn ông lặng lẽ dắt xe về lúc trời đã nhá nhem tối.

Các em tôi thỉnh thoảng còn bắt gặp cha nhiều hôm đứng trước cổng trường cũ của đứa cháu nội đầu, mắt cứ dõi vào sân trường kiếm tìm và chờ đợi. Ông đang sống lại với chính mình những chiều xưa đón cháu, cố tìm trong đám trẻ reo vang như ong vỡ tổ kia dáng chạy thân quen cùng giọng bi bô của thằng bé khi ông nội cúi xuống vỗ về hỏi han. Cũng thấy ông thỉnh thoảng nâng trên tay một món đồ chơi còn sót lại của lũ trẻ, mắt ngời lên và miệng thì như thể muốn bật lên một câu dỗ dành từ vô thức. Dường như với ông bấy giờ, nơi chốn, vật dụng nào còn lưu giữ bóng hình hai đứa cháu cũng đều trở nên gần gụi, ấm áp.

Hai đứa cháu như chiếc neo giữ đời cha tôi yên ắng với niềm vui tuổi già. Tôi nào biết mình vô tâm đành đoạn tháo rời chiếc neo ấy khiến ngày của ông bây giờ chòng chành, nghiêng ngã. Tha thẩn góc công viên chiều chiều, thao thức giữa giấc trưa trằn trọc, rồi tỉ mẩn nâng niu từng vật dụng ấm nóng dấu vết, cha tôi lang thang vô định trong khuya sâu thương nhớ, lo toan.

23 năm rồi, hai đứa cháu lúp xúp bên ông góc công viên ngày xưa chừ đã thành đàn ông. Cha tôi cũng về với ông bà từ 12 năm trước.

Nhưng chẳng hề phai trong tôi cái bóng liêu xiêu của cha trên sân ga mỗi khi bất chợt nghe tiếng còi tàu. Và cái góc công viên kia, mỗi lần ngang qua đó vào dịp trở lại quê nhà, tôi không thể không dừng lại, sè sẹ bước vào tìm một khoảng vắng dưới tán lá thưa rồi rưng rưng ngước mặt trông vời lên phía xa xanh…

 

Theo Nguyễn Đình Xê (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm