(GLO)- Vào Google gõ cụm từ “lười học nghị quyết” lập tức có khoảng 3.730.000 kết quả được tìm thấy. Điều đó chứng tỏ đây là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó có không ít bài viết rất sâu sắc về bản chất cũng như đề ra biện pháp khắc phục để việc học nghị quyết mang lại ý nghĩa như nội hàm vốn có.
Trước hết cần khẳng định: Nghị quyết và việc học tập, triển khai nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng! Về khái niệm, nghị quyết là hình thức văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc, thông qua bằng biểu quyết theo đa số, biểu thị ý kiến hay ý định của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề nhất định. Trong các loại hình văn bản hành chính, nghị quyết thường quyết định những vấn đề cơ bản, có tính định hướng, đặc biệt là đại diện cho ý chí tập thể. Về mặt khoa học, nghị quyết là kết quả của một quá trình khảo sát, đánh giá, phân tích tình hình thực tiễn để thảo luận, bàn bạc nhằm đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cũng như cách thức tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, nghị quyết sau khi ban hành cần phải được phổ biến, quán triệt để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng, hành động đúng.
Xuất phát từ ý nghĩa đó nên trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng, quán triệt, học tập và triển khai nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai nghị quyết, những năm qua, Đảng ta chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên hội đủ phẩm chất, trình độ lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Chính đội ngũ này sẽ chuyển tải nhanh nhất, đầy đủ nhất tinh thần nghị quyết của các cấp ủy Đảng đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, phương thức tổ chức học tập nghị quyết cũng trở nên phong phú, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người tiếp nhận.
Tuy vậy, trên thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vẫn đang mắc “bệnh” lười học nghị quyết. Có nhiều lý do dẫn đến “căn bệnh” này, song vấn đề căn bản nhất xuất phát từ nhận thức của bản thân. Một số người cho rằng học nghị quyết “vừa khô vừa khó”, lại đề cập những vấn đề mang tầm vĩ mô nên khó tiếp nhận. Một bộ phận khác thì cho rằng nội dung nghị quyết ít hoặc không liên quan đến công việc cũng như cuộc sống của bản thân nên ngại học… Vì vậy, trong các hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, thay vì tập trung lắng nghe báo cáo viên truyền đạt thì không ít người nói chuyện phiếm hoặc cắm đầu vào máy tính, điện thoại, iPad… Sau khi hội nghị kết thúc, nhiều trường hợp không tiếp thu được những nội dung chính của nghị quyết, cá biệt có trường hợp không nhớ cả tiêu đề nghị quyết.
Có thể nói, tình trạng lười học nghị quyết không chỉ diễn ra ở Gia Lai. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lười học nghị quyết của Đảng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
Thực tế đã chứng minh những cảnh báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn đúng đắn. Cũng vì ngại học nghị quyết mà không ít trường hợp mơ hồ về chủ trương, đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; thậm chí có quan điểm và hành động trái với lợi ích quốc gia, dân tộc. Cũng vì không nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà nhiều cán bộ, đảng viên mắc vi phạm, khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật và cuối cùng trở thành “củi” trong “lò lửa” chống tham nhũng, tiêu cực.
Lười học nghị quyết là “căn bệnh” khó chữa, dễ lây lan và nguy hiểm. Vì vậy, trước tiên, các cấp ủy cần quán triệt, triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương về vấn đề này. Cùng với đó, cần nghiên cứu đề ra các biện pháp phù hợp để ngăn chặn tình trạng ngại học nghị quyết trong cán bộ, đảng viên. Theo chúng tôi, cấp ủy các cấp cần đưa việc học nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng vào chương trình kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức Đảng. Cùng với đó, các tổ chức cơ sở Đảng cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, đảng viên nghiêm túc trong học tập nghị quyết và lấy việc nhận thức chủ trương, đường lối của Đảng làm tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên.
DUY LÊ