Phóng sự - Ký sự

Lưỡi Quỷ - điểm nên đến một lần trước khi chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ta bảo, nếu bạn chỉ lơ đễnh để mình ở với cái ác cái xấu đôi lần thôi, thì phiên chợ của quỷ sẽ nuốt chửng bạn lúc nào không hay.
Những tưởng bao năm lang bạt ở nhiều vùng đất đẹp và đáng sống nhất thế gian này, thì cái cảnh huống bị hạ gục ngay từ ánh nhìn đầu tiên trước các điểm đến “đẹp rợn người” của tôi nó cũng hạ nhiệt đi rồi. Dẫu thế nào thì xúc cảm thơ ngây độ trước cũng phải trơ lỳ dần đi rồi chứ. 
Sung sướng nhảy trên Lưỡi Quỷ. Ảnh: i.pinimg.com.
Sung sướng nhảy trên Lưỡi Quỷ. Ảnh: i.pinimg.com.
Thật bất ngờ, qua hàng vạn cây số xuyên lục địa và vượt đại dương, anh bạn người Bỉ vừa di ngón trỏ ấn gửi bức ảnh chụp Lưỡi Quỷ - Troll’s Tongue, “chỉ trong một nốt nhạc”, tôi nhận được và lập tức ngộp thở.
Chúng tôi “ấn nút” bắt đầu hành trình qua nhiều quốc gia, vắt kiệt mồ hôi mình leo núi, dựng lều ngủ trên núi tuyết để chinh phục miền trời đất thần thánh mà nhân loại thích ngao du đã bầu bán cho nó một tước hiệu là “điểm nên đến trước khi chết” (before you die).
1. Chúng tôi xuất phát từ kinh đô chế tác kim cương của thế giới - thành phố Antwerp cách thủ đô Belgium (Bỉ) không xa lắm. Dựng cái bản đồ thế giới trước mặt, thì rõ là theo đúng định vị GPS, chúng tôi đang nhằm Bắc Cực thẳng tiến. Phía ấy là những núi băng tan của Greenland, của Iceland, của Bắc cực quang và cận kề vùng đất băng đăng vĩnh cửu trùm lên các ngọn núi lửa vẫn phun lửa đỏ lòm từ triệu triệu năm trước.
Đi từ Bỉ, qua Hà Lan, sang Đức, tiến mãi về phía Thụy Điển, Đan Mạch. Na Uy có những dòng sông băng nổi tiếng thế giới, đi bộ trên đó vài ngày cũng được, nhưng hãy nhớ rằng cứ mỗi ngày nó lại vẫn cứ trôi dần ra đại dương độ đôi ba mét. Nghe mà sởn tóc gáy. Toàn bộ Na Uy nằm trên bán đảo Scandinavia, nằm ở phía Tây Bắc và là bán đảo lớn nhất Châu Âu, dài tới 1.900km(!).
Điểm chúng tôi sắp đến nằm ở bờ tây nam đầy những ngọn thác trắng toát đổ xuống từ đỉnh trời xanh ngắt cao vòi của Na Uy - xứ sở của hàng nghìn cái vịnh hẹp ra đời từ kỷ Băng tan nhiều triệu năm trước. Khi băng tan, nước biển lấn sâu vào, khoét xẻ núi non trở thành những khe hẹp dài hàng trăm cây số, ăn sâu vào đất liền. Hai bên hẻm vực là núi cao dựng trời, cảnh sắc chẳng khác nào cõi tiên cảnh bồng lai.
Hơn một nghìn kỳ quan vịnh hẹp như vậy đã tạo ra cả một hệ quy chiếu “nhan sắc vỏ trái đất” cho nhiều thế hệ người mê đắm. Trong tiếng Anh người ta gọi những kỳ quan thiên nhiên này là fjord (tạm dịch là vịnh biển hẹp). Loài người tiến bộ đã vinh danh nhiều vịnh hẹp của Na Uy là Di sản thiên nhiên thế giới.
Nơi chúng tôi đến là một cái vịnh thon thuôn, lắt lẻo như lưỡi kiếm sắc mảnh và xanh mướt dài mấy chục cây số mà bố già biển Bắc Băng Dương đã chém đứt lìa, khoét thăm thẳm, rồi ăn lẹm, gọt dữ dằn, thọc sâu hoắm vào đất liền từ hơn 10 nghìn năm trước. Như chúng ta đã biết, khoảng 800 đến 400 triệu năm trước, nhiệt độ trái đất có các đợt giảm sâu và hình thành nên Kỷ băng hà, tuyết trắng khắp địa cầu, đặc biệt là các dải băng lục địa, băng giá ở hai đầu cực; rồi sông băng hình thành trên núi.
Khoảng 10 nghìn năm gần đây, trái đất có một đợt nóng lên và thời kỳ băng tan trở thành một khái niệm quan trọng. Ở Na Uy, nơi băng tuyết từng ngự trị trở nên trống rỗng, nước biển tấn công, khoả lấp và tiếp tục ăn mòn, xẻ sâu mãi vào đất liền. Từ đó, hàng nghìn cái fjord ra đời.
Miêu tả thế này thì dễ hình dung hơn: Bán đảo Scandinavia dài gần hai nghìn cây số, rộng tám trăm cây số, hùng vĩ thò ra cùng lúc hai biển lớn là Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương. Nó cũng thò ra như một bàn tay với những ngón ngắn chút chít, khuấy mình ra bốn năm cái biển (là “con” của hai biển lớn kia), ba bề bốn bên là mênh mông đại dương. Ngón dài nhất, xa đất liền gần hai nghìn cây số kia, là cực tây nam của Na Uy.
Ở đó, nhìn từ vệ tinh hoặc bản đồ, thì nó lăm dăm như quả bầu bị băm vằm sắp nấu với râu tôm. Mỗi nhát chém tạo thành gờ rãnh, để nước biển xanh biếc lấn sâu vào đất liền, có rãnh - fjord dài gần 100 kilômét. Rãnh nọ nối tiếp rãnh kia. Đó là kết quả của việc băng tan từ kỷ Băng hà.
Khoảng 10 nghìn năm trước, khí hậu trái đất có trận nóng lịch sử, băng trôi ra biển, để lại những hố sâu, vịnh hẹp, nước biển tràn vào chiếm chỗ. Rồi phong hóa, mài mòn, rồi đại dương như lưỡi kiếm xanh tung bờm sóng trắng, cắt dần, khoét dần. Gió thổi còn mài mòn vách đá, huống hồ biển mặn với thời gian hàng chục nghìn năm.
Biển cắt lìa thêm các dãy núi, chém sâu thêm xuống vực thẳm, biến xứ sở của các fjord thành quê hương của hồ xanh, biển thắm với vô số hòn đảo to nhỏ. Có đảo bé đến mức chỉ chứa được dăm cây thông kiên cường tạo dáng trong bão tố; có đảo chỉ hai nóc nhà từ mái ngói đến ván thưng sàn lát đều bằng gỗ thông đỏ sẫm phong rêu, cũng vẫn tự tin, cứ thế soi mình xuống đại dương. Chúng đôi khi đã trở thành biểu tượng, thành thứ lặp đi lặp lại trong nỗi hoài nhớ đăm đăm của xiết bao người khi nghĩ một miền cổ tích.
2. Đích đến của chúng tôi là thị trấn nổi tiếng thế giới có tên gọi Odda, thuộc hạt Hordaland (Na Uy). Đi xuyên ngày đêm, thay nhau lái, Hà Lan, Đức hiện ra bên đường, ngày tưng bừng phố đèn đỏ Amsterdam, đêm hồng rực các dãy chung cư ốp điện sáng lơ mơ. Phố đèn đỏ “giăng mắc” hai bên đường đến Hambourg. Na Uy là xứ ở của những khu camping (cắm trại) tuyệt mỹ, an toàn nhất thế giới.
Dọc các con đường Bắc Âu hoang vắng ở một đất nước rộng lớn mà chỉ có vỏn vẹn năm triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người và dự trữ quốc gia vào hàng cao nhất thế giới của Na Uy, cực kỳ khó để những lãng khách như chúng tôi có thể tìm được một khách sạn hay nhà nghỉ như ở Việt Nam.
Người Na Uy không làm nhiều nhà nghỉ khách sạn, có thể vì họ là giống người to cao khỏe mạnh trứ danh trên thế giới (nên ít mệt để phải “vào nhà nghỉ”). Nhưng lý do quan trọng nhất là có xây khách sạn, nhà nghỉ thì cũng chẳng mấy ai thuê. Na Uy là quốc gia có thiên nhiên kỳ thú, vạm vỡ, trong lành và một không gian sống tuyệt mỹ, an toàn bậc nhất thế giới. Nó khiến bất cứ ai cũng muốn cắm trại để ở lại với Mẹ thiên nhiên.
Na Uy có vẻ đẹp kiểu trời xanh, mây trắng, núi cực cao và vịnh biển cực sâu, tuyết rất lạnh và trắng nhức mắt, những thác cao tung bọt trắng xóa từ hàng trăm mét đỉnh trời vẫn mát lành trong nắng gieo mật ngọt khắp không gian. Thượng đế dành quá nhiều ưu việt cho xứ này. Thác chồng lên thác, nắng xuyên qua thác bắn hơi nước phủ kín rợp kính xe qua các nẻo đường ven núi.
Rồi từ đó, bảy sắc cầu vồng xuất hiện, hơi nước phun như mưa bụi, như sương đậm u ấp về phía cầu vồng, hàng tỉ giọt nước li ti thổi lên cái ánh vàng mà thoạt trông tôi cứ ngỡ dòng vàng nung chảy đang tràn lẫm chẫm từ sườn non xuống mép vực. Vẻ đẹp của thiên nhiên miền Tây Na Uy rất hiện đại mà vô cùng hoang dã, rất văn minh và rất thưa vắng các nếp nhà.
Và cứ tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Sự bình yên, vẻ đẹp tinh khiết và bao dung của thiên nhiên, núi rừng, hồ thác và vụng biển đã biến Na Uy trở thành thiên đường cho dã ngoại, cắm trại, ngủ lại với ngàn sao, nở phổi với tuyết trinh trắng như áo thiên thần, với mênh mang rừng xanh kéo từ đỉnh núi xuống sát bờ biển. Ở đó sặc sỡ hoa cỏ như thể là vườn địa đàng mới tuột trôi về hạ giới. Ở Na Uy, hễ lái xe mà buồn ngủ, hễ tối trời hoặc mưa lất phất để không lao đi được với tốc độ... 200km/h, là chúng tôi tạt té vào các nhánh đường êm ru để rồi mất hút trong rừng xanh dày ngờm ngợp, cắm trại.
Ngăn giữa cao tốc và ruộng rẫy, giữa đường to với trạm dừng nghỉ cắm trại qua đêm, là cánh rừng cổ thụ trùm xòa. Hồ nước, rừng cây to sẵn có ở mọi chỗ mọi nơi. Các tàng cây gợi cảm đến mê tơi. Cây phủ rêu mốc óng ánh, suối chảy dịu dàng như áng tóc trữ tình. Nước rí rách, loang loáng chảy trên rêu xốp vàng óng, xanh êm. Nước và rêu cùng tràn trên đá phiến đen nhánh, chảy quanh năm ra các rãnh lớn ven đường.
Nước tan từ khối băng đăng vĩnh cửu trên đỉnh trời nên tinh khiết lắm. Chúng tôi dùng chai nhựa hứng nước dọc đường, bỏ lên xe mà đi dã ngoại. Leo núi cả tuần, về khoản nước uống, chỉ cần có một cái vỏ chai nhựa có nút để đựng nước suối là đủ. Gặp suối trong ngần chỉ việc vốc lên mà uống.
Rừng phủ rêu trên ngàn cây, mặt đất phủ rêu xanh như lông thú mượt mịn, đến các gờ đá cũng rặt một màu xanh của địa y rạng ngời. Người Châu Âu và từ nhiều quốc gia (như tôi) lên Bắc Âu du hí và người Bắc Âu thưởng ngoạn xứ của mình, đều mang theo lều trại. Trứ danh nhất là các cỗ xe đã to lại còn kéo diêm dúa theo một cái “thư phòng” đẹp đến ngẩn ngơ của hãng Giọt Lệ Rơi (Tear Drop). Cong, uốn, tròn, dịu nhẹ, phớt trắng hay xanh mờ.
Họ thiết kế những Giọt Lệ đủ lớn để làm phòng ngủ, phòng tắm, quầy bar, bếp nấu, khu vệ sinh. Cứ rồng rắn lao hơn một trăm cây số một giờ, xe móc theo Giọt Lệ di động, đẹp như kiệu công chúa đi ném tú cầu. Trong tích tắc, họ biến mọi bến đỗ dọc đường thiên lý của mình thành khách sạn giữa mây mù gió núi, giữa bạt ngàn hồ và biển xanh fjard.
3. Na Uy có hơn một nghìn rưởi khu camping chuyên nghiệp như vậy, và dĩ nhiên, sẽ nhiều gấp nhiều lần các cái thùng xe nhà di động kiểu Giọt Lệ Rơi kia. Với hai người, với khí hậu ven biển và sự an toàn tuyệt đối trước thủy hỏa đạo tặc như Na Uy, thì chỉ cần một cái xe ôtô 5 - 7 chỗ, bạn có thể bấm nút ngả hết ghế ra để biến lòng xe thành cái giường đôi rộng rãi. Túi ngủ, đệm hơi cuốn lại bé như cái nem, thổi lên thành chăn chiếu.
Với gia đình năm bảy người, một Giọt Lệ Rơi khum khum duyên dáng bò lóc nhóc theo xe, bạn đã có thể đưa cả tam đại đồng đường cùng ăn ngủ bất kỳ chỗ nào trong các chuyến viễn du. Đó là lý do vì sao ngành kinh doanh khách sạn ở Na Uy quá lép vế, trong khi các khu cắm trại giữa đường kiểu “tuyệt tình cốc” hay “điểm sống ảo” lại đông khách đến như vậy.
Trong gần chục mỏm đá đông du khách và kỳ lạ nhất thế giới, thì quá nửa chúng nằm ở Na Uy. Nhiều đêm, chúng tôi lụi cụi vào một khu cắm trại miễn phí. Ngả đệm ra ngủ, nằm trên cỏ ướt sương đêm, chỉ với cái lều mái thiết kế trong vắt không ngăn tầm mắt khỏi ngàn sao trên đỉnh đầu. Xung quanh có vòi nước, có khu tắm rửa vệ sinh miễn phí.
Tuyệt đối không lo từ trộm vặt cho đến cướp giết hiếp. Bởi chỉ có sự an toàn mới biến Na Uy trở thành xứ ở của các chuyến dã ngoại khiến bất kỳ ai cũng có thể cắm trại ở bất cứ đâu. Có đêm, lụi cụi lo ăn ngủ trên cỏ ướt xong, chợp mắt một tí, cứ ngỡ mình cô độc giữa biển trời xứ lạ không bờ không bến. Ai dè, mộng kê vàng chưa hẳn dứt, đã thấy mặt trời vừa hé ở cuối đường chân trời, biển kéo mãi về phía xa mờ.
Chim sẻ ríu ran đậu nâu cả gờ núi, con gì to như cu gáy bay quần quật phần phật như võ sỹ đánh nhau ngay ngoài lều. Ôi, hàng nghìn con chim vạm vỡ dâng lên trời, sà ụp xuống mép lều, cứ như âm binh quần thảo chỗ không người.
Tôi tự hỏi, liệu chúng có làm nát hết cỏ và rụng hết những hạt ngọc sương trắng lắt lay treo mình trên các triền hoa dại không. Rồi sững sờ hơn: Phía sau chúng tôi, gió vẫn thổi không ngừng, hàng chục cái ôtô trắng toát, to như xe bus ở thủ đô ta, xe nào cũng kéo theo các ngôi nhà di động hoặc xòe ra các “bộ cánh” bằng vải bạt rực rỡ ra.
Bên dưới mái hiên di động từ nóc xe ra ấy, là ghế tựa, giường gấp, bàn cà phê, họ dựng cả bờ tường bằng que cọc như muốn quây lãnh địa của gia đình mình. Họ an nhiên ngắm bình minh trong yên lặng, mặt viên mãn như tiên ông tiên bà.
4. Giữa bối cảnh đó, sau vài nghìn cây số lái xe, chúng tôi đã hạnh ngộ với một con đường cộc, để các dãy núi óng ánh tuyết phủ cứ ụp lên tầm mắt khách thương hồ, núi phủ kín hết nền trời. Ấy là nơi bắt đầu con đường đi bộ qua trùng trùng điệp điệp đồng đất núi tuyết hồ nước mỹ miều để đến Lưỡi Quỷ. Thắng cảnh lừng danh thiên hạ này hiện ra. Khổng lồ, nhọn sắc, khối đá hình cái lưỡi (tongue) của con quỷ lùn Bắc Âu (Troll, một nhân vật dù gọi là “quỷ” song lại là biểu tượng của sự may mắn và rất đáng yêu trong tâm thức người bản xứ) đang lè ra từ mép vực.
Vực sâu hơn bảy trăm mét, ở độ cao hơn một nghìn một trăm mét so với mực nước biển, Lưỡi Quỷ thò ra chênh vênh biển xanh đang tiếp tục xẻ đứt các khe núi hẹp cao nghìn mét để ăn sâu hơn vào đất liền. Ngoài kia, con hồ Ringedavatnet được cả thế giới ngưỡng mộ vẫn câm lặng để ùn ùn sương khói bay lên.
Hơn mười nghìn năm trước, băng tan, để lại các khối đá vỡ gãy, nước biển tràn vào, có một sự tình cờ kỳ dị của tạo hóa, đá vỡ rơi bùm bũm xuống vực sâu thăm thẳm. Trời đất xui khiến, chỉ để lại một cái phiến đá nhọn mỹ miều thò ra mép vực. Nhìn rợn tóc gáy, nhưng biển xanh uốn éo rồi vịnh hẹp thăm thẳm, rồi núi tuyết óng ánh đã tạo ra một không gian sững sờ. Vào mùa đông, toàn bộ mặt đất mặt núi mặt biển nơi này phủ tuyết trắng tinh, dày cộp, Lưỡi Quỷ càng huyền ảo.
Quả là, trông phiến đá bị chụp ảnh nhiều bậc nhất thế giới này, nó còn giống cái lưỡi hơn cả... cái lưỡi. Năm năm gần đây, số lượng người đến thăm Lưỡi Quỷ tăng gấp 10 lần. Đã từng có một có cô gái nỗ lực bò ra chụp ảnh trên mỏm lưỡi quỷ và rơi tõm xuống, tử vong. Mặc, người ta vẫn đi bộ hơn 10 tiếng, như chúng tôi là dựng lều trên núi tuyết ngủ qua đêm, cảm nhận rõ cơ thể mình đóng băng dần, đi bộ gạn chắt đến giọt mồ hôi cuối cùng, để được ngắm Lưỡi Quỷ.
Đẹp bằng nào thì riêng một Lưỡi Quỷ cũng không dễ gì có sức mạnh quyến rũ đến nhường ấy, mà cái đáng nói ở đây là cả một thế giới cây cỏ, rừng, thác, núi đá, hồ nước huyền thoại và các fjard đẹp đến sững sờ ở dọc đường đi. Sau hai ngày lang thang đi bộ với Lưỡi Quỷ, tôi mới càng thấm thía cái câu, hạnh phúc không chỉ nằm ở đích đến, mà nó nằm nhiều ở cả hành trình.
Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm