Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Lưu giữ ché quý cho thế hệ mai sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ché (ghè) là vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Jrai, Bahnar. Ý thức được các giá trị văn hóa dân tộc, nhiều gia đình đã tích cực lưu giữ những chiếc ché quý, góp phần trao truyền cho thế hệ mai sau.
Dưới cái nắng tháng 5, chúng tôi đến thăm nhà bà Siu H’Bro (làng Kte lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện). Trong căn nhà sàn rộng rãi, những chiếc ché được bà H’Bro sắp xếp ngay ngắn, thẳng hàng ở phía góc nhà. Theo bà H’Bro kể: Ngày trước, nhà nào cũng có ché. Trải qua nhiều đời người cất giữ, gia đình bà sở hữu 11 chiếc ché cổ. Những chiếc ché này có từ thời ông bà cố. Ngày xưa, để mua được nó phải đổi bằng rất nhiều con trâu.
Bà H’Bro cho biết thêm, ché của người Jrai có nhiều loại và kiểu dáng, mỗi loại lại có ý nghĩa và tên gọi khác nhau. Người thông thạo, hiểu biết chỉ cần quan sát các họa tiết được trang trí bề ngoài là biết tên của từng loại. Khác với ché thường, ché cổ có kích thước lớn hơn và có màu sẫm đất nung. Ngoài ra, ở những chiếc ché cổ thường có cách điêu khắc nổi, trang trí hoa văn tinh xảo, nhiều tai (quai) và có hình muông thú khá độc đáo. Trong số này, phải kể đến các loại ché như: Slam Hla, Wanh, Htôk Long Hong, Rbia, Rbia Pôm, Jú, Jơ Bô... Đặc biệt, các loại ché này chỉ được sử dụng khi gia đình có việc đại sự, không được đem ra ngoài. Rượu ủ trong các loại ché này mang lại hương vị thơm ngon hơn so với rượu được ủ trong ché thường. Sau khi sử dụng, các loại ché cổ lại được gia chủ đem bảo quản, cất giữ cẩn thận và bịt kín miệng ché bằng nắp hoặc túi ni lông nhằm phòng tránh chuột, côn trùng, bụi bặm xâm hại.
Gia đình chị Siu H’Vân (làng Plei Kual, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) hiện có 8 chiếc ché cổ. Ảnh: R’Ô HOK
Gia đình chị Siu H’Vân (làng Plei Kual, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) hiện có 8 chiếc ché cổ. Ảnh: R’Ô HOK
Thông thường, khi mua ché mới hoặc được người khác tặng/cho, gia đình đó bắt buộc phải làm lễ Pôk Miang để đón ché vào nhà. Già làng là người chủ trì việc cúng. Lễ vật gồm 1 con heo, 1 ché rượu. Mục đích của lễ này là mong muốn thần linh bảo vệ, cai quản để ché được bền chắc, tránh rơi vỡ, mất mát và giúp ủ rượu thơm ngon hơn. Chị Siu H’Năp-con gái bà H’Bro-cho biết: Ngoài 11 chiếc ché cổ, gia đình chị còn sở hữu 1 chiếc trống da trâu với đường kính hơn 1 m và 3 bộ chiêng. Trong đó, 1 bộ chiêng Tơnah, 1 bộ chiêng Arap và 1 bộ chiêng cải tiến với tổng cộng 62 chiếc. “Là con gái út trong gia đình nên mình quản lý, gìn giữ bảo vệ tài sản này rất cẩn thận. Từ các hiện vật này con cháu sẽ thấy được bản sắc văn hóa của dân tộc mình”-chị H’Năp chia sẻ.
Ông Nay Bang-Trưởng thôn Kte lớn A-thông tin: Hiện nay, các bộ cồng chiêng, việc dệt thổ cẩm, đan lát... vẫn được bà con lưu giữ và phát huy giá trị. Trong các buổi họp dân, hệ thống chính trị thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con bảo quản, gìn giữ các loại ché cổ. Nhờ đó, bà con nâng cao ý thức, cất giữ cẩn thận. “Hiện trong làng có hơn 30% hộ dân có ché cổ, các loại ché này được lưu giữ từ nhiều thế hệ. Trước kia, nhiều nhà sưu tầm đến hỏi mua với giá rất cao nhưng bà con nhất quyết không bán”-ông Bang bày tỏ.
Ở làng Brò (xã An Trung, huyện Kông Chro), gia đình ông Đinh Êch (SN 1957) sở hữu nhiều ché cổ nhất. “Ngoài các bộ ché được bố mẹ để lại, mình đã dành rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để sưu tầm các bộ ché của người Bahnar. Bây giờ, mình đã sở hữu 80 ché cổ rất giá trị”-ông Êch bộc bạch. Ngoài gìn giữ những bộ ché quý, ông Êch còn chế biến rượu cần và chủ trì thực hiện các nghi lễ cúng của dân làng.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Long-Phó Chủ tịch UBND xã An Trung-cho biết: “Trên địa bàn xã, gia đình ông Đinh Êch còn lưu giữ rất nhiều đồ truyền thống có giá trị. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ, bảo vệ không được bán chiêng, ché cổ, đồ có giá trị nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm