Thời sự - Bình luận

Ma trận thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau livestream (phát trực tiếp) bán hàng, 'trình diễn nghệ thuật'… thì giờ đến cả livestream dạy học đang rộ lên trong khung giờ nửa đêm về sáng.

Nhìn lại thời gian qua, sự bùng nổ của TikTok hay nhiều kênh mạng xã hội khác đang thay đổi rất nhiều hoạt động. Trong đó, việc thông qua mạng xã hội để dễ tiếp cận giới trẻ cũng là sự thay đổi lớn mà qua đó có thể hình thành một kênh giao tiếp hữu ích.

Thế nhưng, cũng vì sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội mà ai cũng có thể trở thành một nguồn khởi phát thông tin đang khiến nội dung, thông tin trên mạng xã hội như một ma trận thật giả, đúng sai lẫn lộn. Thậm chí, không hề quá lời nếu nói lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội chẳng khác gì một mớ hổ lốn.

Thực tế câu chuyện livestream dạy và học trên TikTok hay mạng xã hội khác cũng vậy!

Chuyện học tập thì cần được ủng hộ nhưng dạy và học như thế nào cho hiệu quả thì lại là một chuyện khác, chứ không thể tư duy theo kiểu cứ học thì "không bổ ngang cũng bổ dọc". Cụ thể ở đây là những nội dung, chương trình dạy sẽ được kiểm soát như thế nào, rồi ai được phép mở lớp dạy? Bởi dù trực tuyến hay trực tiếp, nếu truyền bá kiến thức không chuẩn xác thì đều dẫn đến những hậu quả không tốt, nhất là đối với các bạn trẻ vẫn còn trong quá trình tiếp nhận những thông tin cơ bản. Đó là chưa kể việc dạy và học giờ nào cho khoa học, hiệu quả và phù hợp với việc phát triển của học sinh cũng là một vấn đề. Rõ ràng, chuyện thức đêm từ ngày này qua ngày kia thì rõ ràng không tốt cho sức khỏe. Đây cũng chính là điều mà Báo Thanh Niên đã đặt ra trong bài viết Nở rộ học trên TikTok vào đêm khuya được đăng tải hôm qua (16.8).

Không chỉ là sức khỏe hay kiến thức mà còn vấn đề tiền bạc như bài viết đã đặt ra, bởi những buổi livestream có thể là sự khởi đầu cho việc kêu gọi đóng phí bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi những chương trình livestream không bị kiểm soát như việc dạy và học trực tiếp hay theo một chương trình được quản lý, thì học sinh tham gia có thể rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang".

Thực tế, sự bùng nổ thông tin, nội dung "thượng vàng hạ cám" hiện nay trên mạng xã hội rất cần được kiểm soát chặt chẽ vì có thể gây ra những hậu quả nhất định, chứ không còn đơn thuần giải trí hay "xem cho vui". Ngoài dạy học, còn rất nhiều nội dung không thể kiểm chứng nhưng có thể gây hậu quả như hướng dẫn cách thức chữa bệnh, bí quyết làm đẹp… hay phổ biến là những tin đồn, tin giả.

Giữa thực tế như vậy, cơ quan chức năng cũng như các nhà cung cấp dịch vụ cần tăng cường kiểm soát nội dung, thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chính bản thân mỗi người cũng cần trang bị cho mình khả năng tự làm chủ trước ma trận thông tin, nội dung đang bủa vây trên khắp các mạng xã hội. Nếu không tự làm chủ, thì việc sa đà vào vòng xoáy nội dung, thông tin sẽ lợi bất cập hại.

Theo Phát Tiến (TNO)

Có thể bạn quan tâm