Mai này chim trời còn không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vấn đề tôi đề cập dưới đây tuy không mới song cũng chưa hề cũ. Đó là môi trường bị xâm hại nặng nề không chỉ vì tác động của hiện tượng thiên nhiên mà còn do những việc làm tưởng chừng như vô hại của con người: nạn đánh bắt, bẫy các loài chim trời để phục vụ nhu cầu ăn nhậu và cả việc người ta cho là thú chơi tao nhã-nuôi nhốt chim.
 

Ảnh minh họa

Trước hết xin nói về nạn đánh bắt, bẫy chim. Hồi còn nhỏ, tôi đã thấy người ta đi bẫy chim cu đất, hình như bẫy cho vui và mang về nuôi chứ không bán làm món nhậu như bây giờ? Nay thì đối với các loài chim như cò, vạc, chiền chiện, sẻ… người ta thường cắm sẵn hàng chục que dính nhựa trên mặt ruộng, trên cành cây rồi dùng chim mồi hoặc chim giả nhử chim trời bay đến. Theo một thợ săn cò chuyên nghiệp, việc bẫy cò khá đơn giản, chỉ dùng những cành tre đã quết lớp nhựa dính cắm một đầu xuống đất, làm thêm một ít con cò giả bằng xốp trắng và một vài con cò thật bị cột chân bằng sợi dây dài để người săn giật giật nhử chim cò thật bay xuống. Hoặc giăng lưới sẵn, khi đàn cò thấy đồng loại kêu thất thanh như thế sẽ sà xuống, lập tức dính nhựa hoặc dính bẫy lưới.

Các loài chim khác như cuốc, gà rừng, cu đất, chim mía… thì sử dụng bẫy sập. Chỉ cần từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đã có thể mua một bộ bẫy sập để đánh bắt chim. Bẫy sập gồm một đoạn lưới rộng 2-3 mét, dài 20-30 mét hoặc dùng 2-3 đoạn lưới ngắn hơn, tùy theo mục đích bắt chim gì. Người xưa cho rằng “gác cu” là một trong 4 cái ngu. Thế nhưng bây giờ thì gác cu đã trở thành một nghề kiếm tiền khá nhàn nhã, mỗi ngày có thể thu được mấy trăm ngàn đồng. Thời buổi khoa học hiện đại, người ta thu tiếng kêu của chim rồi phát lại dụ con mồi đến sập bẫy. Có người còn sử dụng cả một dàn âm thanh gồm máy phát, loa thùng; người tiết kiệm hơn thì dùng điện thoại thu rồi phát lại. Mỗi lần đánh bằng bẫy sập như thế có thể bắt đến hàng chục con chim. Với giá cả hiện nay, người chuyên bẫy chim mỗi ngày có thể kiếm mấy trăm ngàn đồng! Cò, sẻ, chim mía, chim gầm ghì… sau khi đánh bắt được đưa vào quán. Không thể tính chính xác nhưng ít nhất hàng ngày trên cả nước cũng có đến hàng trăm ngàn, hàng triệu con chim bị giết thịt để phục vụ các “Thượng đế” ăn nhậu!

Những năm gần đây, người ta còn đi bẫy chim về bán để làm chim cảnh. Theo các tay chơi chim lão luyện thì chim cảnh thường được phân thành ba loại: loại thứ nhất là các loài chim nghệ sĩ (họa mi, sơn ca, vành khuyên); thứ hai là chim bình dân (khướu, chào mào, cu gáy); loại thứ ba là chim thô tục (yểng, sáo, cà cưỡng, vẹt). Phổ biến nhất hiện nay là chim chào mào được rất nhiều người ưa thích vì dễ nuôi, tiếng hót lại hay. Giá một con chim chào mào thường nằm ở mức 100-150 ngàn đồng. Nếu là chào mào thân dài, giọng hót hay có khi lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Hầu như địa phương nào cũng xuất hiện các hội thi tiếng hót chim chào mào, quán cà phê chào mào. Ở đó, người ta mang chim tới để đấu, chọn ra chim hót hay nhất lãnh giải.

Thực ra nếu như biết nói, có lẽ chúng sẽ thốt lên rằng chẳng sung sướng gì cảnh “cá chậu, chim lồng”. Chim vừa bị săn bắt ăn thịt, vừa bị nuôi nhốt, dẫn đến ngày càng cạn kiệt, gây mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Do vậy pháp luật cần có những quy định thật cụ thể về vấn đề bảo tồn các loài chim để mai này những loài chim trời vẫn còn bay lượn, cất lên tiếng hót muôn đời của bài ca thiên nhiên.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm