Mang Yang chú trọng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với hơn 61% học sinh dân tộc thiểu số, huyện Mang Yang đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác huy động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số được đặt lên hàng đầu bởi đây là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 11-2016 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của huyện đạt trên 90% ở vùng thuận lợi và chỉ đạt trên 70% ở vùng khó khăn. Đặc biệt, ở một vài điểm trường, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần chỉ đạt trên 50%. Số học sinh vắng học thường xuyên dẫn đến bỏ học tập trung chủ yếu vào học sinh dân tộc Banhar.

 

Huyện Mang Yang rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: N.G

Dựa trên kết quả khảo sát này và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện Mang Yang đã xây dựng kế hoạch huy động học sinh đến trường, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Nguyễn Văn Hải-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang, sau một năm thực hiện kế hoạch này, công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số bước đầu đã có những chuyển biến tích cực nhờ vào những giải pháp cụ thể như: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học thiết yếu cho các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt chú trọng đến phòng học, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà ăn cho học sinh bán trú; UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch duy trì sĩ số học sinh vào mỗi đầu năm học để kịp thời phối hợp với các đơn vị trường học thực hiện hiệu quả công tác này; UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện để các trường tăng cường tổ chức các lớp học bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số nhằm giúp các em yên tâm học tập; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục về cơ sở vật chất cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp ưu tiên đầu tư lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, vấn nạn tảo hôn, sinh con đông... góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường học tập.

Cùng với những giải pháp chung của toàn huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang đã có các biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng bậc học. Trong đó, đối với bậc Mầm non, các đơn vị nhất quán thực hiện các quy định về chuyên môn, duy trì việc dạy học 2 buổi/ngày có kết hợp với mô hình bán trú dân nuôi và bán trú mang cơm trưa đối với học sinh dân tộc thiểu số. Đến nay, 13/13 đơn vị trường học ở bậc học này đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày và bán trú. Ở bậc Tiểu học, ngành triển khai nhiều hình thức tổ chức dạy lớp ghép, dạy 2 buổi/ngày, bán trú dân nuôi với những hình thức và phương pháp dạy học khác nhau đã thu hút được học sinh đến trường.

 

Theo số liệu khảo sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang hồi tháng cuối tháng 5-2017, nếu năm học 2015-2016, tỷ lệ trẻ Mầm non đi học chuyên cần đạt 98% thì năm học 2016-2017, tỷ lệ này được nâng lên 98,1% và không có trẻ Mầm non bỏ học. Ở bậc Tiểu học, tỷ lệ này từ 95% được nâng lên 96%, số học sinh bỏ học trong vòng 2 năm là 7 em. Ở bậc THCS, tỷ lệ này từ 91% được nâng lên 93%, số học sinh bỏ học trong 2 năm là 50 em, chiếm 0,6%. Tuy tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng chưa cao, số học sinh bỏ học giảm chưa nhiều nhưng có thể thấy, các giải pháp huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số mà huyện Mang Yang đang thực hiện đã bước đầu đem lại hiệu quả.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã chỉ đạo các trường khối THCS tổ chức các tiết học, buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều nội dung nhằm tạo sự hứng thú, vui chơi cho các em và kịp thời động viên, khen thưởng những học sinh có thành tích trong học tập. Đồng thời, tiến hành khảo sát chất lượng đầu năm của học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số đầu cấp để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của các em nhằm xây dựng kế hoạch phụ đạo, kèm cặp, giúp các em tiến bộ, theo kịp chương trình học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm