Mặt trăng gần nhất của sao Mộc - mặt trăng Io - đang phát sóng vô tuyến lạ và tàu vũ trụ Juno của NASA đang theo dõi tín hiệu này.
Từ trường của sao Mộc liên kết quỹ đạo của mặt trăng Io với bầu khí quyển của sao Mộc. Ảnh: NASA |
Tàu vũ trụ Juno của NASA đang "lắng nghe" phát xạ vô tuyến từ mặt trăng Io của sao Mộc, qua đó tìm cách khám phá nguồn gây sóng vô tuyến lạ, Space.com đưa tin.
Sao Mộc có từ trường lớn mạnh nhất trong số các hành tinh trong Hệ Mặt trời. Từ trường của sao Mộc kéo dài đến mức một số quỹ đạo mặt trăng của sao Mộc ở trong từ trường này.
Theo NASA, vì mặt trăng Io ở gần sao Mộc nhất nên "bị cuốn vào một cuộc chiến lực hấp dẫn gay cấn" giữa sao Mộc và 2 mặt trăng lớn khác. Những lực hút đối lập tạo ra nhiệt lượng lớn bên trong, dẫn đến hàng trăm vụ phun trào núi lửa trên bề mặt mặt trăng.
NASA cho biết, mỗi giây, các núi lửa giải phóng vào không gian 1 tấn khí và hạt. Một số vật chất này phân tách thành các ion và electron mang điện sau đó trút xuống sao Mộc thông qua từ trường của hành tinh. Những electron lọt vào trong từ trường tăng tốc về phía các cực của sao Mộc và trên đường di chuyển tạo ra hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là sóng vô tuyến decameter (hay phát xạ vô tuyến decametric hoặc DAM).
Tàu vũ trụ Juno của NASA tại sao Mộc. Ảnh: NASA |
Khi tàu vũ trụ Juno ở đúng vị trí để lắng nghe, thiết bị Waves của tàu có thể thu nhận các sóng vô tuyến, chuyên gia Yasmina Martos thuộc Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA thông tin.
Các nhà nghiên cứu dùng dữ liệu từ Juno để xác định vị trí phát ra phát xạ vô tuyến trong từ trường khổng lồ của sao Mộc. Dữ liệu đã làm sáng tỏ hành vi của các từ trường khổng lồ mà hành tinh khí to lớn tạo ra.
Nhóm nghiên cứu cho hay, sóng vô tuyến đến từ không gian có thể được mô tả như một hình nón rỗng có các điều kiện thích hợp: Cường độ từ trường phù hợp và mật độ electron phù hợp. Theo NASA, tín hiệu quay như một ngọn hải đăng và Juno bắt được tín hiệu đó khi "ánh sáng từ ngọn hải đăng" chiếu vào tàu vũ trụ.
Dữ liệu vô tuyến cũng cho thấy các electron tạo ra sóng vô tuyến của mặt trăng Io của sao Mộc đang phát năng lượng khổng lồ, lớn hơn 23 lần so với dự kiến của các nhà nghiên cứu. Những electron như vậy cũng có thể đến từ các nguồn khác như từ trường của hành tinh hoặc gió mặt trời.
THANH HÀ (LĐO)