Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mặt trời lên từ phía nón...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiếc nón lá từ bao lâu nay đã trở thành một hình ảnh quen thuộc chỉ có thể bắt gặp ở mọi nơi đâu trên làng quê Việt Nam nói chung và xứ Huế nói riêng. Từ rất lâu đời, do nhu cầu của cuộc sống của các vương triều phong kiến nhà Nguyễn, nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng trên vùng đất Huế đã được hình thành, phát triển và tồn tại cho đến tận ngày nay với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Nón Huế là nguồn cảm xúc để nhà thơ Thu Bồn sáng tác câu thơ trứ danh "Nón rất Huế nhưng đời không phải thế/Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng/Nhịp cầu cong và con đường thẳng..." (Tạm biệt).

 Thiếu nữ Huế và nón bài thơ.
Thiếu nữ Huế và nón bài thơ.


Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ xã Phú Hồ, Mỹ Lam xã Phú Mỹ huyện Phú vang, Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ, TP Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.

Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ, nó không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý, các nghệ nhân làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản... Có lẽ vì thế mà nón Huế rất được nhiều du khách ưu chuộng.

Thuở xưa, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng người thân và bạn bè và đã tạo nên được sự ưa chuộng nhất định. Sau đó, những người làm nón ở Tây Hồ bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị trường không chỉ cho người Việt Nam mà cả những du khách nước ngoài khi du lịch Việt Nam. Những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn, thường là những câu thơ về Huế mộng mơ và dịu dàng.

Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm.

Chỉ là một chiếc nón lá đơn sơ và mộc mạc như chính tính cách con người Việt Nam giản dị nhưng lại vô cùng có ý nghĩa. Chiếc nón lá là hình ảnh của Việt Nam, là món quà mà chính bàn tay người Việt tạo ra, chiếc nón lá là cây cầu nối tình bằng hữu giữa Việt Nam và nước bạn. Dù gì đi chăng nữa, chiếc nón lá vẫn mang trong mình màu sắc của sự bình yên, dịu dàng và tinh tế!

Theo T.T (cadn)

Có thể bạn quan tâm