Phóng sự - Ký sự

Mẫu Quốc Đượng và những chuyện ngày xưa chưa kể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.

(GLO)-… Đã quá nửa đời người, những chiến tích, kỷ niệm về một thời oanh liệt hào hùng cũng đã dần bị bụi thời gian nhòa lấp. Rất nhiều cái đã quên, hoặc không thể nhớ trong chốc lát và cũng có những câu chuyện mãi mãi không thể nào quên- Câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp từng trải dài xuyên suốt hai thời khác biệt: Chiến và bình của vị Đại tá có cái tên vừa lạ, vừa… khó nhớ: Mẫu Quốc Đượng- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu V (TP. Pleiku- Gia Lai) không dễ khiến người ta tin, dù đó là sự thật!

“Khởi nghiệp” bằng B40

Năm 1968, khi ấy ông mới tròn 14 tuổi, người đứng mới chỉ nhỉnh hơn cái gùi của mẹ, đã chập chững đi làm giao liên cho cách mạng. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, cái tinh thần làm cách mạng khi ấy quả thực đáng quý vô cùng. Khi thì ít gạo, mì, khi thì quả đạn… Cứ thế, cái thân hình bé nhỏ, rừng rậm thâm u cũng không cản nổi nhiệt huyết làm cách mạng của cậu bé.

Những chứng tích một thời hào hùng của Đại tá Mẫu Quốc Đượng. Ảnh: Lê Hòa
Những chứng tích một thời hào hùng của Đại tá Mẫu Quốc Đượng. Ảnh: Lê Hòa

Đây cũng là năm địch càn quét vùng Khánh Sơn (Khánh Hòa) đậm đặc nhất. Dân làng suốt ngày phải chạy càn, có khi cả tuần liền ở trên rừng, trên núi. Cũng trong những ngày chạy giặc càn ấy, chính mắt cậu bé Đượng đã được chứng kiến cảnh tượng đau đớn: Tháng 3-1968, trong một trận chạy càn lên đỉnh núi Hồng, trong đoàn 50-60 gia đình có một bà mẹ trẻ trở dạ... Trận càn dai dẳng, nước uống, lương thực cạn kiệt, mọi người trong đoàn đã phải lấy … nước tiểu để giải cơn khát cho người mẹ vừa qua cơn vượt cạn. Rất may, hết trận càn, hai mẹ con người làng đều được bình yên trở về với làng bản, nhưng câu chuyện đau lòng ấy vẫn khiến mọi người khắc cốt, ghi tâm về nỗi thống khổ của người dân bởi tội ác xâm lăng của giặc.

Cuộc sống cơ cực của dân làng cứ như liều thuốc, làm dậy lên ý chí và lòng căm thù giặc. Và rồi, chưa đủ tuổi, cậu bé Đượng đã mon men theo anh họ- khi ấy đang công tác tại Tỉnh đội Khánh Hòa, tập tành tham gia cách mạng. Ngày đi, mẹ Đượng đã phải bán đàn lợn nuôi trong chuồng, lấy tiền mua thêm ít vải may đồ cho con.

Còn nhỏ quá, nên Đượng được các anh chỉ cho ở nhà, phụ chân hậu cần, cơm nước cho anh em. Một năm sau, nhờ nhanh nhẹn, lại có ý chí, các anh đã tin tưởng hơn, giao cho nhiệm vụ làm liên lạc, đưa đón cán bộ qua các trạm. “Vậy nhưng vẫn ấm ức lắm! Thấy anh em, đồng đội được đi đánh nhau, được tặng thưởng bằng khen, giấy khen, huy hiệu mà mình thì cứ ở nhà, mấy lần lên xin cấp trên cho đi tham gia chiến đấu mà không được, khóc năn nỉ cũng không xong”- Ông Đượng kể.

Một niềm vui bất ngờ và cũng là thời điểm ghi dấu đậm nét trong cuộc đời quân ngũ của ông chính là ngày ông được cấp trên chính thức công nhận có tên trong quân số của Đại đội 584- Tỉnh đội Khánh Hòa. Đó là một ngày năm 1972…

“Đại đội khi đó có nhiệm vụ đánh giao thông trên trục đường QL21 (giờ là QL 26) từ Ninh Hòa đến Khánh Dương (M’Đrắk- Đak Lak bây giờ). Kể cũng lạ, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà ngay trận tham gia đầu tiên, tôi đã được tin tưởng giao cho “sở hữu” hẳn một khẩu B40 để đi phục và đánh phá xe vận chuyển quân của địch. Lúc đó, tôi nào đã từng biết phân biệt thế nào là xe địch, thế nào là xe của dân? Cấp trên chỉ bảo: Cứ thấy cái xe nào màu xanh lá cây là tiêu diệt”- Ông Đượng sôi nổi kể.

Giấy chứng nhận danh hiệu dũng sĩ, bằng khen, giấy khen... là những kỷ vật gắn liền với một thời để nhớ của Đại tá Mẫu Quốc Đượng. Ảnh: Lê Hòa
Giấy chứng nhận danh hiệu dũng sĩ, bằng khen, giấy khen... là những kỷ vật gắn liền với một thời để nhớ của Đại tá Mẫu Quốc Đượng. Ảnh: Lê Hòa

… Lần đầu tiên, vừa hí hửng, vừa lo lắng, bỡ ngỡ. Cùng đồng đội nằm phục một lúc, bỗng từ phía đằng xa, một chiếc xe GMC xanh lè lù lù tiến tới. Không ngần ngại, ông vác khẩu B40 lao thẳng ra giữa đường, trước xe một quãng ngắn và bắn… Chiếc xe bốc cháy ngùn ngụt. “Đang hừng hực máu vì lần đầu tiên được tham gia chiến đấu, lại được bắn B40. Nhưng lần đó, do chưa có kinh nghiệm nên kề súng sát tai quá, súng nổ ù cả tai, lúc đó chẳng thể nhận biết được gì, thì làm sao mà biết sợ”- Ông Đượng vui vẻ kể lại kỷ niệm lần đầu lập công. Sau cú bắn ngoạn mục đó, ông một mạch chạy thẳng về đài quan sát. Mãi sau mới biết, đã có tới 6 tên sỹ quan, binh lính giặc phải bỏ mạng vì khẩu B40 và sự dũng cảm của ông. Cũng nhờ chiến công này mà ông đã được cấp trên tặng bằng khen và một chiếc huy hiệu dũng sỹ diệt xe cơ giới. Khỏi nói niềm vui của ông lúc đó lớn đến chừng nào.

Ngoài chiến công đầu tay ấy, ông chỉ còn nhớ rõ thêm 2 chiến công nữa, một là trận tham gia cùng Đại đội tiêu diệt đoàn viện trợ lực lượng, vũ khí và trang bị lên đến 100 xe, có sự yểm trợ của trực thăng, xe tăng của địch từ Nha Trang lên chiến trường Buôn Mê Thuột những ngày cuối năm 1972. Trận ấy, ông được phân công giữ một “chân” B40 và đã cùng đơn vị tiêu diệt được 20 xe và 56 tên địch, bắt sông 3 tên địch, 
thu giữ  nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh khác. Chiến công này được đơn vị ông lập ngay trong những ngày tháng phái đoàn ngoại giao của ta đang trong thời khắc căng thẳng, phải đấu trí quyết liệt để đi đến ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam… Chiến công còn lại là vào tháng 4-1974, khi ông cùng 3 đồng đội đi tuần tra và phát hiện địch đã xâm nhập vào tuyến đường giao thông bí mật trên rừng của ta. Lần ấy, ông và đồng đội đã tiêu diệt 5 tên địch. Nhưng kết quả quan trọng nhất của chiến công này là ở chỗ, đã phá huỷ được âm mưu xâm nhập của địch, bảo vệ an toàn đường dây liên lạc, vận chuyển vũ khí, lương thực của ta.

Ngoài 3 trận không thể nào quên đó ra, ông còn nhớ được có khoảng 12 trận đánh “để đời” khác, còn những lần làm nhiệm vụ nho nhỏ khác thì chẳng thể nhớ được hết. Điểm chung của các trận này là, gần như lúc nào ông cũng được phân công giữ chức “pháo thủ B40”! Mấy lần được công nhận dũng sỹ đã nói lên “tầm” của người chiến sỹ quả cảm ấy.

Từ bình dân học vụ đến quân hàm Đại tá

… Huyện miền núi Khánh Sơn- Khánh Hòa những năm 1968-1970 là một trong những vùng bị địch càn quét ác liệt. Trong trí nhớ của ông, ngày ấy- đây là vùng dân hầu hết là đồng bào Rắc Lay nghèo sinh sống, gần như 100% mù chữ. Cuộc sống khốn khó, nhưng ánh sáng cách mạng lại ngời sáng vô cùng. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, của Bác Hồ, người dân ùn ùn kéo nhau đi học cái chữ và làm cách mạng.

Gia đình Đại tá Mẫu Quốc Đượng. Ảnh: Lê Hòa
Gia đình Đại tá Mẫu Quốc Đượng. Ảnh: Lê Hòa

“Khi ấy, tôi mới 7-8 tuổi gì đấy, tối nào cũng cùng bạn bè trang lứa, đốt đuốc đến trường (gọi là trường cho đúng ý nghĩa, còn thực chất chỉ là những ngôi nhà của người dân- P.V) để tham gia lớp bình dân học vụ. Thầy giáo đứng lớp là một anh thanh niên biết chút ít chữ nghĩa trong xã, cũng nghèo khó như bà con và chắc chắn là có tham gia cách mạng”- Ông Đượng chậm rãi kể.

Cái lớp học bình dân ấy, cũng nào thoát khỏi cảnh nay đây mai đó, địch càn quét suốt. Vậy mà già, trẻ, trai gái, ai cũng ham học đến lạ. Con đường luồn rừng đến trường xa đến 3-4 cây số, lại phải băng qua một con sông cạn, vậy nhưng hiếm khi ai nghỉ… Giấy, bút đều là đồ… tự chế: Lấy tre đập dập ghép thành bảng thay cho giấy viết, còn bút là những thỏi than củi bị đốt cháy đen sì. Hì hụi tập viết, tập đọc, người dân đón nhận cái chữ trong những đêm mịt mùng của làng bản, của những tiếng súng, pháo nổ đì đùng. Ông miêu tả về lớp học đầu tiên, nơi ông và bà con Rắc Lay tiếp cận với ánh sáng.

… Sau này, với những thành tích có được, ông được cử đi học bổ túc văn hoá, rồi được cử lên Pleiku- Gia Lai học lớp bổ túc cán bộ Đại đội tại Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu V, rồi… gắn bó với Gia Lai luôn. Năm 1991, khi đã 37 tuổi, ông mới tìm được một nửa của mình. “Mình mải học quá mà! Lấy vợ về, sinh con vừa tròn năm lại để vợ con ở nhà đi học tiếp 4 năm bên Đà Lạt. Con mình, 2 đứa- một trai, một gái cũng giống bố, thích và ham học lắm. Năm nào chúng nó cũng đều được học sinh giỏi!”- Ông Đượng tự hào khoe về tổ ấm của mình.

Từ năm 1980 đến 2010, sau gần 30 năm gắn bó với Tây Nguyên trên bước đường binh nghiệp, ông trải qua nhiều cương vị: Từ Đại đội phó, Đại đội trưởng, Trưởng ban Đào tạo rồi Phó Hiệu trưởng trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu V,  và đầu năm 2011, ông về hưu với quân hàm Đại tá.

Giản dị và dễ mến, dễ gần, người cựu binh đã từng dành phần lớn cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, lập được nhiều chiến công ấy bây giờ đã được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên gia đình, vợ con trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, giản dị. Hàng chục bằng khen, giấy khen, danh hiệu dũng sỹ diệt xe tăng, dũng sỹ diệt Mỹ… cũng là một cách ghi nhận công lao, sự đóng góp của ông cho đất nước, dân tộc.

Nhưng điều quý nhất, có ý nghĩa nhất là từ tấm gương của ông, người con trai duy nhất trong gia đình cũng đã noi gương cha, phấn đấu theo học và rèn luyện trong môi trường quân ngũ từ rất sớm tại trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu V- nơi ông từng một thời công tác và cống hiến. Hy vọng rồi đây, sẽ có một Mẫu Quốc Đượng thứ hai trong gia đình và nhiều hơn nữa nhưng Mẫu Quốc Đượng khác biết hy sinh và cống hiến sức mình cho Tổ quốc.

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm