Văn hóa

Máy tuốt lúa ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2018, trong chuyến sưu tầm hiện vật ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), khi bắt gặp hình ảnh chiếc máy tuốt lúa ngày trước, tôi và đồng nghiệp quyết tâm đưa về Bảo tàng tỉnh.

Những ai sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn ngày trước chắc hẳn không còn xa lạ với hình ảnh người nông dân hì hục đạp máy tuốt lúa trong mỗi mùa gặt. Ngày đó, sau khi cắt, lúa được chất từng bó ngoài đồng cho khô, rồi căng manh bồ xung quanh để đập. Nhà nào khá giả hơn thì chở lúa bằng trâu, bò hoặc gánh lúa về nhà bằng đòn xóc 2 đầu rồi đạp máy tuốt lúa.

Nhà ngoại tôi sắm được cái máy tuốt lúa nên đỡ vất vả hơn mỗi mùa thu hoạch đến. Lũ trẻ chúng tôi thường lân la quanh chiếc máy tuốt để xem người lớn đạp lúa. Khi lúa được tuốt xong, chúng tôi xúm lại cùng nhau đạp cho máy quay tít và cười khoái chí.

Những năm gần đây, khi các cánh đồng mẫu lớn hình thành, hệ thống giao thông nội đồng được mở mang thì máy gặt lúa chạy bằng động cơ, rồi đến máy gặt đập liên hợp xuất hiện. Từ đó, việc gặt và vận chuyển lúa về nhà của bà con nông dân rất thuận tiện. Những cái máy tuốt lúa vốn có giá trị bằng cả gia tài của người dân trước kia dần bị lãng quên và cũng không dễ tìm thấy những chiếc máy tuốt lúa đạp bằng sức người ở những vùng nông thôn ngày trước.

Máy tuốt lúa thường cấu tạo thành 3 phần: Phần thân máy được làm bằng kim loại, đứng vững trên một khối tiếp giáp với đất. Ở phần bên trên khung thường có gắn 2 “tai máy”, còn gọi là khoen, là điểm để xỏ gậy cho 2 người khiêng và di chuyển máy. Ngoài ra, 2 tai này còn có tác dụng phụ là giữ cố định phần trống tuốt khi kết thúc mùa thu hoạch, bằng cách dùng dây cột 2 răng sắt vào 2 tai máy, khi đó trống tuốt sẽ cố định phòng trường hợp khi trẻ em đùa nghịch.

Trống tuốt thường làm bằng gỗ, có hình trụ tròn ở tư thế nằm ngang, được cấu tạo bằng nhiều tang trống ghép lại, bên trong rỗng. Trên những mảnh tang trống, người ta lắp những chiếc răng bằng sắt lệch nhau. Trống quay nhờ sức người đạp. Những chiếc răng sắt này là yếu tố chính tác động vào bông lúa làm tách hạt ra khỏi bông. Bàn đạp thường được làm bằng kim loại hoặc gỗ, là nơi trực tiếp dùng lực chân để tác động làm quay ròng rọc, từ đó làm cho phần trống tuốt xoay mạnh tạo lực tuốt lúa. Khi dùng chân đạp vào bàn đạp 2 bánh răng sẽ ăn khớp với nhau tạo lực làm quay trống tuốt.

Máy tuốt lúa đạp bằng chân đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Máy tuốt lúa đạp bằng chân đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Khi vận hành, người sử dụng phải dùng bạt quây lại phía trước chiếc máy tuốt lúa hoặc những tấm phên với tác dụng giữ cho thóc không bị văng ra ngoài. Tay của người đạp sẽ nắm lấy gốc của những nắm lúa vừa 2 tay cầm, không dày quá để máy không thể tuốt đi phần hạt. Khi ấy, các răng trống tách hạt ra khỏi bông và hất về phía trước. Người điều khiển cầm chắc nắm lúa phần gốc, xoay trở liên tục sao cho toàn bộ bông tiếp xúc với dàn răng cắm đang quay. Trong khi tay thực hiện nhiệm vụ tráo lúa thì bàn chân của người tuốt lúa vẫn phải dùng lực và đạp liên tục mới có thể tạo lực để ổ bi và trống tuốt quay.

Với mỗi giai đoạn phát triển nông nghiệp sẽ có những công cụ lao động tiêu biểu cho giai đoạn ấy. Và máy tuốt lúa cũng vậy, là giai đoạn chuyển tiếp giữa việc đập lúa bằng tay ở giai đoạn trước và những máy tuốt lúa hiện đại chạy bằng động cơ ở giai đoạn hiện nay.

Việc lưu giữ những công cụ truyền thống giúp cho thế hệ sau biết trân quý sự sáng tạo của cha ông ta, thông qua công cụ lao động cho thấy một phần công việc vất vả của cư dân nông nghiệp để cho ta những hạt gạo-hạt ngọc của thiên nhiên.

Có thể bạn quan tâm