Sự việc Phòng CSGT Công an TP.HCM yêu cầu lực lượng khi tuần tra kiểm soát xử lý phương tiện vi phạm phải lựa chọn vị trí thông thoáng, không che khuất tầm nhìn đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Bởi trước đó, không chỉ tại TP.HCM mà ở nhiều địa phương khác đã xảy ra hiện tượng CSGT đứng chỗ khuất “rình” bắt người vi phạm. Tình trạng này không chỉ gây ra nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi bất thình lình gặp CSGT mà còn gây ra những điều tiếng cho lực lượng.
Câu chuyện “CSGT núp lùm” từng được cử tri Q.12 phản ánh đến kỳ họp HĐND TP.HCM. Theo cử tri quận này, “cách thức xử lý vi phạm giao thông của CSGT không minh bạch, không rõ ràng, chỉ canh người vi phạm để phạt mà thiếu tính giáo dục”, đồng thời đề nghị CSGT Công an TP.HCM nên “đường đường chính chính” kiểm soát hành vi vi phạm giao thông.
Xung quanh chuyện “CSGT núp lùm” cũng đã từng có nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều người cho rằng CSGT có quyền áp dụng biện pháp nghiệp vụ để phát hiện vi phạm, người tham gia giao thông nếu chấp hành pháp luật thì không có gì phải “sợ”.
Tuy nhiên cần nhớ, Thông tư 65/2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT nêu rõ, việc dừng, kiểm soát phương tiện của CSGT phải đảm bảo các yêu cầu an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Thông tư 65 cũng đưa ra nhiều quy định cụ thể khác, như khi dừng, kiểm soát tại một điểm, CSGT phải đảm bảo các yêu cầu đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100 m đối với đường cao tốc, 50 m đối với quốc lộ và 30 m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng. Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm…
Cách mà CSGT Công an TP.HCM đang tiến hành, hiểu đơn giản là đang thực hiện đúng pháp luật, theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an. Mong rằng không chỉ tại TP.HCM mà CSGT nhiều địa phương khác cũng nên vận dụng, minh bạch tới mọi người dân.
Suy cho cùng, mục đích của mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT khi ra đường là để đảm bảo an toàn giao thông, để mọi tuyến đường được thông suốt chứ không phải là để xử phạt người vi phạm.
Theo Thái Sơn (TNO)