Thời sự - Bình luận

Minh bạch với đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Áp mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang là một trong những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất, theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Anh chị tôi lại có niềm đam mê với... đất. Luôn chắt bóp, tiết kiệm tiền bạc, thậm chí vay mượn (nếu cần) để mua đất. Không buôn bán gì, mua vì tâm lý “nhiều đất là nhiều của”.

Rất có thể tôi sẽ bị chị “cạo” cho một trận nên thân nếu tiết lộ anh chị đang nắm trong tay bao nhiêu lô đất. Nhưng tôi có thể nói chung chung là, sau mấy chục năm, anh chị có không ít đất.

Điều đáng nói là, những lô đất ấy đều đang ở trong tình trạng “bỏ hoang”. Mua được lô đất nào, anh chị rào kín lô ấy, rồi bỏ đó cho… cỏ mọc.

Đôi lúc tôi nửa đùa nửa thật nói rằng: Ai cũng như anh chị thì đến bao giờ đất đai mới thành hàng hóa? Hơn thế, việc anh chị mua gom đất là góp phần tạo nên sốt đất. Thế là bị chửi.

Điều đáng lưu ý là có nhiều người “tích trữ” đất như anh chị tôi. Xin nhắc lại là “tích trữ” đất chứ không phải đầu cơ kiếm lợi từ đất.

Ngay nơi tôi ở, dù đường bê tông rộng rãi, có đèn đường, nhưng mười mấy năm nay vẫn chỉ có mấy nhà ở, đất trống còn nhiều. Nguyên nhân là nhiều chủ đất có tiền không dùng tới, “mua đất để đấy”, được giá thì bán, không thì thôi.

Với không ít người, tiêu chí cho sự giàu có rất khác, không phải bao nhiêu tiền gửi ngân hàng, có nhà đẹp, xe sang, mà là có bao nhiêu lô đất.

Thậm chí, có một nhóm kín, ở đó, họ khoe với nhau số “bìa đỏ” của mình, và “xếp hạng” bằng số lượng tờ giấy “quyền lực” ấy.

Câu chuyện trên, dù ít hay nhiều, cũng phản ánh một thực trạng là thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tất nhiên, phải khẳng định rằng, những năm qua, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng đầu cơ, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng có ở nhiều nơi, gây bức xúc trong nhân dân.

Và câu nói “kẻ ăn không hết, người lần không ra” khá đúng với tình hình thị trường đất đai hiện nay. Không ít người “ôm” từ vài ba đến hàng chục lô đất, còn người có nhu cầu đất ở thật sự thì không mua nổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài vai trò “kích giá” của giới “cò đất” nhằm kiếm lợi, tâm lý mua đất để dành của một số người là hai trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất, sốt giá hiện nay.

Vì vậy, đã đến lúc cần xem xét đánh thuế cao vào tài sản là bất động sản thứ 2 trở lên cho thuê không ở, đầu cơ bỏ hoang; bất động sản không sinh ra giá trị gia tăng cho xã hội.

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Trong đó, nhấn mạnh, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.

Chính sách về đất đai sẽ được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường; có chính sách phù hợp với từng loại hình sử dụng đất để phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.

Theo Nghị quyết, đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn.

Nghị quyết đề ra các nhóm giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Trong đó có xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp.

Đặc biệt, một nội dung rất được quan tâm là, bên cạnh quy định bỏ khung giá đất, Nghị quyết xác định giải pháp quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Rõ ràng, với Nghị quyết 18-NQ/TW, tình trạng sử dụng đất lãng phí, để hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái; những vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại sẽ dần được giải quyết.

 

 Áp mức thuế cao với người đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang vừa có thể ngăn được đầu cơ đất đai. Ảnh: HL
Áp mức thuế cao với người đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang vừa có thể ngăn được đầu cơ đất đai. Ảnh: HL


Theo các chuyên gia, việc tính toán áp mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang vừa có thể ngăn được đầu cơ đất đai, tạo nguồn thu ổn định và lâu dài, mang lại công bằng, bình đẳng trong quản lý và sử dụng đất.

Nhưng muốn làm được điều đó, cần minh bạch, công khai các thông tin liên quan tới giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; kể cả thông tin về khu vực đất, chủ sử dụng đất. Chỉ khi thông tin đất đai được công khai, minh bạch mới tạo cơ sở để tính thuế.

Như vậy, những người có tâm lý “ôm đất” sẽ phải cân nhắc kỹ, trước khi mua đất rồi… để đó.

Và tôi biết, nếu bài viết này được đăng, chắc chắn mình sẽ bị “cạo”, chứ không đợi đến khi tiết lộ cụ thể số lô đất của anh chị mình.

Nhưng biết sao được. Tôi ủng hộ sự minh bạch với đất.


https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/minh-bach-voi-dat-24339.html

Theo Hồng Lam (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm